Tin tức

Ngành gỗ: Đề phòng tình trạng giả mạo xuất xứ

19/07/2021

Ngành gỗ đạt kết quả xuất khẩu khả quan trong 6 tháng đầu năm, nhưng cần đề phòng tình trạng giả mạo xuất xứ và những rủi ro liên quan đến kiện chống bán phá giá từ các quốc gia.


 Sản phẩm gỗ có mức tăng 6,4 tỷ USD, tăng 75,7% so với cùng kỳ năm 2020

Mỹ tăng nhập đồ gỗ Việt
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm đồ gỗ của nước ta đã vượt qua “bão” COVID-19 khi mang về kim ngạch 8,1 tỷ USD sau chặng đường nửa năm 2021, tăng 61,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản phẩm gỗ có mức tăng ấn tượng hơn cả, đạt 6,4 tỷ USD, tăng 75,7% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả này đã tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp trong ngành vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, doanh nghiệp gỗ bội thu đơn hàng. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực của Việt Nam. Do Chính phủ Mỹ áp thuế lên hàng nội thất nhập từ Trung Quốc, các nhà nhập khẩu và phân phối tại Mỹ đã tìm kiếm nhà cung cấp mới và nhiều khách hàng Mỹ đã chọn Việt Nam.
“Phần lớn nội thất cho phòng ngủ, nhà bếp và văn phòng ở Mỹ đều nhập khẩu từ Việt Nam. Chính vì vậy, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nội thất bằng gỗ của Việt Nam sang Mỹ đã tăng trưởng nhanh trong thời gian gần đây”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST thông tin. Ngoài Mỹ, các thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ Việt đều tăng trưởng cao.
Về phía doanh nghiệp, Công ty CP XNK Hàng Việt (Viet Products) cũng xác nhận, Viet Products đã phát triển thêm một số khách hàng mới ở thị trường Mỹ, nhờ đó, đơn hàng xuất đi Mỹ tăng 30% so với 2 năm trước. Nửa cuối năm 2021, với nhiều yếu tố thuận lợi nhờ một loạt thị trường lớn như Mỹ, EU mở cửa, nhu cầu sửa chữa nhà cửa và sắm đồ nội thất tăng vào dịp cuối năm, ngành gỗ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp. Tính tới thời điểm hiện tại, phần lớn doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận được các đơn hàng xuất khẩu cho tới cuối năm 2021.
Đề phòng gian lận xuất xứ
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) nhận định, từ 2020 đến nay, các doanh nghiệp gỗ đã điều hành sản xuất linh hoạt, hiệu quả, đón bắt cơ hội thị trường, đặc biệt là chớp thời cơ xuất khẩu sang các thị trường lớn, thị trường đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Với lượng đơn hàng đổ về như hiện nay, cộng với nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng nhanh, dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2021 sẽ vượt mục tiêu 14 tỷ USD. Tuy nhiên, mặt trái của việc tăng xuất khẩu nhanh là những rủi ro liên quan đến kiện chống bán phá giá từ các quốc gia nhập khẩu và rủi ro từ tình trạng giả mạo xuất xứ Việt Nam để né thuế.
Mới đây, VIFOREST khuyến cáo ngành gỗ xuất khẩu đề cao cảnh giác trước nghi vấn doanh nghiệp nhập khẩu chi tiết bộ phận mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm từ Trung Quốc rồi gia công, lắp ráp để xuất khẩu. Hình thức gian lận phổ biến là doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, nhập khẩu đầy đủ linh kiện về và chỉ thực hiện một số công đoạn gia công đơn giản, sau đó lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh để lấy xuất xứ Việt Nam. Hai năm gần đây, Mỹ đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Trung Quốc, bằng cách áp thuế chống bán phá giá, trợ cấp cao với mức thuế từ 55% đến gần 200% với các sản phẩm gỗ dán, tủ bếp, tủ nhà tắm, sofa gỗ… Việc kiểm soát này khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chuyển hướng đầu tư, hoặc tìm các biện pháp để lẩn tránh thuế, trong đó Việt Nam có thể được chọn là một trong những điểm đến.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, từ năm 2020 đến nay, trong tổng số gần 1,35 triệu bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi đã cấp, có gần 1.200 bộ C/O bị cơ quan hải quan nước nhập khẩu đề nghị xác minh xuất xứ. Tỷ lệ C/O bị hải quan nước nhập khẩu yêu cầu xác minh xuất xứ trong tổng số C/O ưu đãi được cấp dù không quá lớn, nhưng Bộ Công Thương thừa nhận, có tình trạng doanh nghiệp gian lận trong kê khai, làm giả chứng từ để gian lận xuất xứ, chủ yếu đối với một số loại hạt, mặt hàng tấm gỗ ghép, mặt hàng điện tử... Đó là lý do Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 349/XNK-XXHH đề nghị các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O ưu đãi đẩy mạnh kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, nhằm phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa và đảm bảo các lô hàng cấp C/O được hưởng ưu đãi thuế quan.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>