Tin tức

Ngành gỗ bán hàng online và mục tiêu xuất khẩu đạt 15 tỷ USD

26/07/2021

Trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ vẫn đạt con số ấn tượng, 8,71 tỷ USD. Theo ông Bùi Chính Nghĩa – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), đó là nhờ sự sáng tạo của các doanh nghiệp trong việc thiết lập các kênh bán hàng mới.


 

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng Cục trưởng
Tổng cục Lâm nghiệp Ảnh: Tổng cục Lâm nghiệp
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ nửa đầu năm 2021 ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020; xuất siêu khoảng 7,2 tỷ USD. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả này trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và đang gây ra không ít khó khăn cho giao thương toàn cầu, thưa ông?
Ông Bùi Chính Nghĩa: Đây là con số tăng trưởng rất ấn tượng trong nửa đầu năm nay. Các doanh nghiệp ngành gỗ đã tận dụng rất tốt những cơ hội từ thị trường để bứt phá tăng trưởng tốt. Từ việc xác định nhu cầu của thị trường tăng cao, các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản đến đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp, các hình thức thương mại điện tử để quảng bá và bán sản phẩm trên nền tảng trực tuyến cũng như qua các trang mạng xã hội… đã giúp ngành gỗ tận dụng được rất nhiều cơ hội trong thời gian vừa qua.
Các yếu tố giúp ngành gỗ đạt con số xuất khẩu ấn tượng là gì, thưa ông?
Ông Bùi Chính Nghĩa: Thời gian qua, dù kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam có rất nhiều khó khăn, song được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành đã hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, ngành gỗ nói riêng có sự ổn định sản xuất, chế biến, tiêu thụ và đặc biệt là xuất khẩu. Ngoài ra, thị trường đồ gỗ thế giới rất lớn, thị phần của Việt Nam cũng chỉ mới chiếm 6 – 7% nên còn rất nhiều dư địa để phát triển. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam rất cố gắng, có sự sáng tạo, chủ động tìm kiếm mặt hàng, đổi mới phương thức bán hàng. Nguồn nguyên liệu trong nước hiện nay đã bắt đầu dần ổn định. Tỉ trọng nguồn nguyên liệu trong nước đóng góp vào trị giá xuất khẩu từng bước được nâng lên. Các doanh nghiệp cũng từng bước tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian qua.
Ông đánh giá như thế nào về khả năng quản trị, đầu tư và cơ cấu mô hình hoạt động của doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam trước sự thay đổi của thị trường thế giới do bị tác động của đại dịch COVID-19?
Ông Bùi Chính Nghĩa: Quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp ngành gỗ đã được quan tâm và đổi mới rất nhiều. Các doanh nghiệp cũng rất sáng tạo trong chuyển đổi mô hình, tái cơ cấu hoạt động; thiết lập được những kênh bán hàng rất mới. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao 2 con số, Việt Nam liên tục nằm trong top đầu thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Định hướng xuất khẩu của ngành chế biến lâm sản thời gian tới là làm sao gia tăng giá trị thặng dư dựa trên nền tảng thiết kế thương hiệu sản phẩm thay vì chỉ là giá trị sản xuất hiện nay.
Để duy trì tốc độ tăng trưởng hướng tới mục tiêu xuất khẩu khoảng trên 15 tỷ USD trong năm nay, thời gian tới Tổng cục Lâm nghiệp có những giải pháp nào để có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành gỗ trong nước tìm kiếm được cơ hội xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động?
Ông Bùi Chính Nghĩa: Tổng cục Lâm nghiệp đang được giao xây dựng nghị định về một số cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp. Trong đó, có xác định một số cơ chế, chính sách cho ngành chế biến gỗ. Chúng tôi cũng đang xây dựng Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ hiệu quả, bền vững trong giai đoạn 2021 – 2030, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2021. Ngoài ra, Tổng cục sẽ tiếp tục nắm bắt hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để kịp thời, tham mưu Bộ, báo cáo Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ cũng như các doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua.
Chúng tôi thấy rằng, quá trình kết nối mở cửa thị trường là yếu tố rất quan trọng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đứng ở vai trò các cơ quan nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đàm phán với các quốc gia là những thị trường tiềm năng, ký kết được những biên bản ghi nhớ, hợp tác trong các hoạt động chế biến và thương mại lâm sản. Nội dung cuối cùng là sẽ tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với các Hiệp hội triển khai tốt các hoạt động về xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, từng bước đưa sản phẩm sang nhiều quốc gia hơn.
Xin cảm ơn ông!


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>