Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Xuất khẩu lâm sản nhận nhiệm vụ đạt 11 tỷ USD năm 2019

15/07/2019

Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 5,23 tỷ USD, đạt 50% kế hoạch năm; xuất siêu khoảng gần 4 tỷ USD. 6 tháng cuối năm, ngành lâm nghiệp sẽ tích cực và chủ động gặp gỡ, làm việc và đàm phán mở cửa thị trường và tháo gỡ các khó khăn trong xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2019. 


Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp quý I/2019 tăng 4,32%; quý II/2019 tăng 4,53%, cao hơn 0,08% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước trồng được khoảng 108.456 ha rừng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Rừng phòng hộ, đặc dụng 1.959 ha; rừng sản xuất 106.497 ha. Về khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc 6 tháng đầu năm 2019 khoảng 105.000 ha, sản lượng đạt 9,7 triệu m3, tăng 4,86% so với cùng kỳ năm 2018. Nguồn nguyên liệu trong nước đang tiếp tục được nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu.
Xuất khẩu lâm sản đạt gần 5,23 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm
Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 5,23 tỷ USD, đạt 50% kế hoạch năm; xuất siêu khoảng gần 4 tỷ USD. Điểm đến của 87% giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam là các thị trường truyền thống (Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc) có yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ. 
Trong 6 tháng cuối năm 2019, ngành lâm nghiệp sẽ tích cực và chủ động gặp gỡ, làm việc và đàm phán mở cửa thị trường và tháo gỡ các khó khăn trong xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc; cung cấp thông tin về ngành chế biến gỗ Việt Nam và các quy định của Việt Nam về gỗ hợp pháp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2019 là một năm có thách thức rất lớn, bối cảnh kinh tế thế giới mới tác động lớn đến ngành nông nghiệp, thách thức này đã được Bộ nhận diện từ cuối năm 2018. Riêng với ngành lâm nghiệp, đây là thời kỳ bước ngoặt, từ một nước chỉ còn khoảng 20% hệ số che phủ rừng, tới nay đã khôi phục đạt gần 43%. Đặc biệt, ngành lâm nghiệp đã chuyển thành nền kinh tế lâm nghiệp với Luật Lâm nghiệp có nhiều quy định tiến bộ nhất từ trước tới nay.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giao nhiệm vụ cho ngành lâm nghiệp phải đảm bảo xuất khẩu lâm sản đạt 11 tỷ USD năm 2019. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu, ngành lâm nghiệp phải hoàn thiện thể chế, đặc biệt là đối với Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Bởi Hiệp định này được xem là một hướng hội nhập về thể chế và Việt Nam là quốc gia thứ 2 của châu Á tham gia. 
Với Hiệp định này, trong quản lý kim ngạch xuất khẩu có sự tham gia của đồng quản lý, đó là: người dân, xã hội, nhà nước, cộng đồng quốc tế… Ngoài lợi thế với khoảng 4.500 doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ, Việt Nam cũng đang còn rất nhiều tiềm năng về mảng dược liệu, có thể thu về hàng tỷ USD nếu biết quản lý khai thác, đây là hướng mà ngành lâm nghiệp cần xác định để có được bước phát triển bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý những tháng cuối năm, công tác phòng chống cháy rừng cần phải tiếp tục quan tâm hơn nữa. Biến đổi khí hậu nắng nóng suốt hơn tháng qua khiến nguy cơ cháy rừng khu vực miền Trung vẫn ở mức rất cao. Về lâu dài, phải xây dựng được một khuôn khổ chính sách phù hợp trong phòng chống cháy rừng mang tính bền vững; Tổng rà soát công tác quản lý để tránh trục lợi chính sách; Cần phải xây dựng các đề án bảo vệ và phát triển rừng cho từng khu vực.

P.V, nguồn: https://thuongtruong.com.vn/kinh-te/thuong-mai/xuat-khau-lam-san-nhan-nhiem-vu-dat-11-ty-usd-nam-2019-14806.html, ngày 10/7/2019 (TH trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>