Theo kết quả khảo sát được công bố tại Hội thảo khoa học: "Chính sách vượt qua tác động của COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế" do trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức, khoảng 80% doanh nghiệp được điều tra không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ. Không tương xứng với tỷ trọng 40% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô, tạm dừng sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động.
PGS. TS Bùi Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân
PGS. TS Bùi Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, lý do chủ yếu dẫn đến việc các doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ là không đáp ứng được điều kiện hỗ trợ, không có thông tin về chính sách, quy trình, thủ tục phức tạp, thông tin không minh bạch...Tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành du lịch và dệt may nhận được hỗ trợ nhiều nhất. Ngành ít nhận được hỗ trợ nhất là ngành công nghệ thông tin. Tỷ lệ doanh nghiệp lớn nhận được gói hỗ trợ nhiều hơn so với doanh nghiệp nhỏ.Các doanh nghiệp chủ yếu tiếp cận được gói gia hạn nộp thuế. Các gói hỗ trợ khác tỷ lệ tiếp cận thấp. Các doanh nghiệp tham gia khảo sát phản hồi rằng, tính minh bạch của một số gói hỗ trợ rất đáng quan ngại, cụ thể là việc cải cách thủ tục hành chính, cơ cấu thời hạn trả nợ và vay không cần tài sản thế chấp.Các chính sách hỗ trợ có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, còn nhiều chính sách được đánh giá là không có tác động tích cực như kỳ vọng như hỗ trợ chi phí logistic, cải cách thủ tục hành chính.Về hỗ trợ chính sách lần 2, các doanh nghiệp kỳ vọng lớn về việc tiếp tục hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là các gói: tạm dừng đóng BHXH, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ chi phí...
Với kết quả điều tra như vậy, các nhà khoa học của trường Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra khuyến nghị: cần hỗ trợ hơn nữa các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tập trung hơn vào các giải pháp như nới lỏng điều kiện tín dụng, miễn và giảm lãi, miễn giảm thuế, phí, giảm phí BHXH, giảm các chi phí hạ tầng.Các hình thức hỗ trợ cần phù hợp với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn. Tuy nhiên, cần ưu tiên hơn nữa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa bởi khả năng chống chịu của các doanh nghiệp này tương đối kém.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, cần phân loại, đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp để hỗ trợ, chú trọng các doanh nghiệp thuộc các ngành bị tổn thương bởi dịch bệnh, có hệ thống quản trị tốt để có thể vươn lên sau đại dịch.Tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn. Một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề như hàng không, du lịch, thương mại, dịch vụ. Một số ngành khác vẫn có cơ hội phát triển tốt như công nghệ thông tin, thương mại điện tử. Do đó, cần tránh hiện tượng trục lợi chính sách và rủi ro đạo đức.
Nhóm nghiên cứu kiến nghị kéo dài thời gian gói hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ thời gian hoàn các khoản được giãn, hoãn trong thời gian qua để phục hồi sản xuất, kinh doanh một cách bền vững.Các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch về thủ tục, cũng như đối tượng được hưởng các gói chính sách. Đồng thời, cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là về thủ tục chứng minh tài chính."Nếu như ai đó đang phàn nàn chúng ta đang thực hiện chính sách không tốt, mà họ được quyền chịu trách nghiệm chính sách, thì với chính sách không rõ ràng, còn nhiều rào cản như vậy, kết quả cũng khó tốt hơn được" – PGS. TS Bùi Đức Thọ đánh giá.