Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2020

23/12/2019

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2019 dần khép lại với xu hướng tăng trưởng khá tích cực của nền tảng kinh tế vĩ mô (KTVM), tạo đà đi lên trong năm 2020. Tuy nhiên, sự bất định của kinh tế thế giới và khó khăn tiềm ẩn trong nội tại nền kinh tế là yếu tố cần thận trọng trong năm tới.


 

Xuất khẩu là động lực cho tăng trưởng kinh tế ở 3 quý năm 2019
Ðánh giá cao kết quả năm 2019, song Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra góc nhìn tương đối thận trọng đối với tình hình KTVM năm 2020. Cụ thể, tại báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam giai đoạn 2019 – 2020, CIEM nhận định, tăng trưởng GDP năm 2019 sẽ dao động quanh ngưỡng 7,2%, lạm phát bình quân khoảng 2,78%, tăng trưởng xuất khẩu (TTXK) ước đạt 8,13%, cán cân thương mại vào khoảng 4,2 tỷ USD.
Theo dự báo mà CIEM đã đưa ra, tăng trưởng GDP 2020 ước đạt 6,72%, lạm phát bình quân khoảng 3,17%, TTXK ước đạt 7,64%, cán cân thương mại vào khoảng 2,3 tỷ USD.
Không chỉ CIEM, nhiều tổ chức quốc tế cũng đánh giá thận trọng về tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2019 – 2020. Ðiển hình, báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay là 6,6% và giảm còn 6,5% trong năm tới do TTXK và sản xuất nông nghiệp chậm lại.
Tương tự, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra mức tăng trưởng khoảng 6,5% cho cả giai đoạn do các yếu tố kém thuận lợi của kinh tế toàn cầu.
Ở góc nhìn tích cực hơn, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trong khu vực châu Á có thể đạt tốc độ tăng trưởng 6,8% trong năm 2019 và 6,7% vào năm 2020 – đây là các mức tăng trưởng cao so nhiều nước trong khu vực.
Lý giải xu thế giảm tăng trưởng nói chung, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM Nguyễn Anh Dương cho rằng, kinh tế Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức khi cả động lực, tiềm năng và chất lượng tăng trưởng đều chưa được như kỳ vọng, trong khi sự chuẩn bị trong nước dường như chưa tương xứng tiềm năng của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới.
Ðộng lực cho tăng trưởng kinh tế ở ba quý vừa qua chủ yếu dựa vào xuất khẩu (XK), sản xuất công nghiệp, khai khoáng và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng tới đây, XK sẽ không còn dễ dàng. TTXK vào các thị trường truyền thống như: Châu Âu (EU), Trung Quốc giảm so năm trước, chỉ XK vào Mỹ là tăng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Dương phân tích, đây cũng là rủi ro lớn khi Mỹ đang gia tăng trừng phạt, cũng như kiểm soát những quốc gia XK nhiều vào thị trường này, bao gồm cả Việt Nam. Trong khi đó, XK vào các thị trường tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chưa nhanh như kỳ vọng, khả năng tận dụng ưu đãi từ các FTA chưa cao và XK của khu vực FDI đã có sự giảm tốc.
Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Ðình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng CIEM nhìn nhận, kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng tăng trưởng nhờ XK nhưng rất bấp bênh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp như hiện nay.
Ðánh giá các yếu tố tác động tới thị trường từ góc nhìn của nhà đầu tư, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Quỹ đầu tư Dragon Capital, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Doanh nghiệp xã hội Viện, thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) nhìn nhận, đang có nhiều yếu tố bất định, khó lường trên thị trường quốc tế. Các cường quốc kinh tế đều gia tăng mạnh nợ công, chẳng hạn Nhật Bản, Mỹ có nợ công chiếm tới 70% GDP. Không chỉ nợ lớn, lãi suất cũng trong tình trạng âm (-). Lịch sử thế giới chưa từng ghi nhận thời kỳ lãi suất âm, nhưng hiện có tới một phần ba lượng trái phiếu chính phủ giao dịch trên thế giới ở trong tình trạng này.
Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại đang ngày càng diễn biến phức tạp, không chỉ dừng ở mức độ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, mà còn lan sang Nhật Bản – Hàn Quốc, EU – Mỹ, hay vấn đề Brexit tại Anh… cho thấy khả năng khó tránh khỏi một cuộc suy thoái trên quy mô toàn cầu trong thời gian tới. Ðiều này đặt ra bài toán khó giải cho mọi nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế mới nổi.
Bày tỏ quan ngại về diễn biến bất định trên quy mô toàn cầu có thể dẫn tới xu hướng suy giảm trong dài hạn, TS Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay của nền kinh tế thế giới là nợ công và căng thẳng thương mại gia tăng. Nợ công hiện đã đạt 320% GDP toàn cầu – mức rất cao so trước khi khủng hoảng năm 2009. Ðây là những yếu tố có thể tác động mạnh đến nền kinh tế và các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong điều kiện nền kinh tế mới nổi vốn có độ mở rất lớn.
Ðánh giá sự tác động tới Việt Nam, ông Dominic Scriven cho rằng, Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi những yếu tố trên khi vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng liên tục trong 10 năm qua với một nền tảng vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh, đầu tư có nhiều cải thiện. Minh chứng là thống kê quy mô vốn và mức lương của 50 DN niêm yết lớn nhất trên thị trường chứng khoán sau 8 năm đã tăng lên gấp đôi, nghĩa là khu vực kinh tế tư nhân cũng cải thiện tích cực…
Nhận định về triển vọng giai đoạn 2019 – 2020, ông Dominic Scriven cho rằng, tuy nền kinh tế hiện tương đối khỏe mạnh, nhưng cần nhìn rõ những thách thức phải đối mặt để đánh giá đúng các ảnh hưởng dài hạn. DN Việt Nam cần thận trọng, nhận diện rõ thách thức để có sự chuẩn bị vững vàng thông qua tăng năng lực quản trị nội bộ, từ đó tăng khả năng ứng phó các cú sốc từ bên ngoài. Trong bối cảnh này, quản trị DN hiệu quả là bài toán lớn đặt ra đối với tất cả lãnh đạo DN, đòi hỏi phải có nhiều đổi mới để giúp DN sẵn sàng thích ứng, vượt qua khó khăn, thách thức của môi trường kinh doanh.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>