Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Thị trường hàng hoá biến động, được và mất

21/04/2016

 Từ đầu năm 2016 đến nay, giá cả hàng hoá biến động rất lớn và theo chiều hướng tăng. Hiện tượng thời tiết khắc nghiệt nhất trong thế kỷ qua khiến giá nông thuỷ sản biến động rất lớn.


 Giá dầu đã giảm từ mức hơn 110 USD/thùng năm 2014 xuống còn 26 USD/thùng đầu tháng 02/2016 (giảm 76%). Hiện giá đã hồi phục ở mức 40 USD/thùng, tăng 50% so với đáy nhưng vẫn giảm 65% so với mức cao của 2014.

Giá dầu được cho là nguyên nhân cơ bản dẫn đến giá của nhiều hàng hoá khác giảm mạnh trong những năm vừa qua. Dầu giảm do yếu tố cơ bản nhất là công nghệ khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ làm sản lượng gia tăng nhanh chóng với chi phí ngày càng thấp. Cuộc cạnh tranh thị phần giữa OPEC và bên ngoài trở nên khốc liệt.
Các nước OPEC không muốn mất thị phần và gia tăng sản lượng khiến giá dầu xuống đáy thấp hơn cả đầu năm 2009 khi rơi từ 140 USD/thùng xuống còn 40 USD/thùng.
Hiện nay, công nghệ đá phiến có chi phí trung bình từ 25 – 50 USD/thùng, tùy khu vực, đây là bước tiến quan trọng trong lĩnh vực này. Nếu giá dầu vượt qua mức 50 USD/thùng thì dầu đá phiến gia nhập thị trường rất nhanh. Hiện giá dầu thấp đã khiến sản lượng của Hoa Kỳ giảm 1 triệu thùng/ngày xuống còn 9 triệu/thùng/ngày.
Trong khi đó nhu cầu toàn cầu tăng chậm lại, hiện mức dư thừa với giá dầu 40 – 45 USD/thùng vào khoảng 2 triệu thùng/ngày. Thế giới cần 2 – 3 năm mới có mức cân bằng sản lượng với giá ở mức quanh 50 USD/thùng. Nếu giá tăng lên 60 USD/thùng, sản lượng dầu đá phiến sẽ tăng nhanh và kìm giá dầu ở mức thấp trong một thời gian khá dài nữa.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nóng rồi giảm tốc kéo theo giá các loại hàng hóa xuống mức rất thấp. Từ cuối năm 2015, hoạt động của các nhà sản xuất nguyên liệu thô đã bắt đầu trì trệ do giá bán thấp hơn giá thành. Sau đó, sự thu hẹp sản xuất, phá sản và hạn chế đầu tư mới đã bắt đầu tác động giúp giá hàng hóa hồi phục trở lại.
Đối với cao su, sau giai đoạn liên tiếp sụt giảm, hiện giá cao su đã hồi phục nhờ người trồng cao su hạn chế trồng mới, chuyển đổi cây trồng và tình trạng biến đổi khí hậu.
Ngày 04/02/2016, Hội đồng Cao su quốc tế ba bên (ITRC) bao gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã quyết định cắt giảm xuất khẩu cao su thiên nhiên tổng cộng 615.000 tấn trong vòng 6 tháng bắt đầu từ ngày 01/3/2016. Động thái này nhằm cải thiện giá cao su vốn đã ở mức đáy trong 6 năm qua. Sản lượng cao su được cắt giảm tương đương với 6% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu, gấp 2 lần mức dư cung của năm 2016 và 23% lượng cao su tồn kho hiện nay. Cụ thể, Thái Lan cắt giảm 324 nghìn tấn (khoảng 9% sản lượng xuất khẩu 2015); Indonesia giảm 238,7 nghìn tấn (khoảng 34% sản lượng xuất khẩu 2015) và Malaysia giảm 52,3 nghìn tấn (2% sản lượng xuất khẩu 2015).
Các hãng lốp xe lớn trên thế giới lo ngại nguồn cung trong tương lai do những khó khăn từ người trồng cao su. Tình trạng thời tiết đang xấu đi sẽ còn tác động lên giá trong thời gian tới.
Giá hàng hóa thế giới đang hồi phục rất mạnh sau thời gian dài xuống dốc suốt 5 năm qua sẽ tạo nên thuận lợi cho các công ty khai khoáng, sản xuất sản phẩm thô. Các công ty nông nghiệp đang có ưu thế khá lớn do canh tác hiện đại.
Trích nguồn: http://cafef.vn/thi-truong-hang-hoa-bien-dong-duoc-va-mat-20160418192311905.chn, ngày 19/4/2016 (Thanh Danh trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>