Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Tăng cường thông tin 2 chiều giữa tham tán và hiệp hội ngành hàng

24/02/2016

 (Chinhphu.vn) - Các doanh nghiệp (DN) nên liên hệ với các thương vụ tại các nước để được tư vấn, tìm hiểu thông tin thị trường. 


 Khi thanh toán đề nghị đối tác sử dụng thư tín dụng (L/C) mở tại các ngân hàng có uy tín, mở chi nhánh hoặc công ty trực tiếp kinh doanh tại nước xuất khẩu và thuê nhân lực là người bản địa.

Đây là kinh nghiệm được các DN xuất khẩu chia sẻ tại Hội nghị Tham tán thương mại năm 2016 do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức ngày 22/02/2016 tại TP.HCM.
Nhiều DN thiếu thông tin thị trường
Tại Hội nghị, nhiều DN phản ánh việc thiếu thông tin về các thị trường xuất khẩu mục tiêu, khó đáp ứng tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật... Bên cạnh đó, phương thức thanh toán theo hình thức giao hàng trước, trả tiền sau cũng phát sinh nhiều rủi ro cho DN.
Ông Phạm Hoàng Lâm – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hương Lâm, một DN chuyên xuất khẩu gạo của An Giang – chia sẻ, châu Phi là thị trường xuất khẩu gạo đầy tiềm năng cho các DN Việt Nam, với nhu cầu khoảng 9-10 triệu tấn gạo/năm, tương đương giá trị khoảng 3-4 tỉ USD.
Đây là thị trường không đòi hỏi cao về chất lượng, tuy nhiên rủi ro gặp phải cũng tương đối cao. Một số rủi ro mà các DN có thể đối mặt là các DN tại châu Phi khi nhập khẩu gạo không mở bảo lãnh L/C qua ngân hàng, giả danh DN nhập khẩu yêu cầu trả tiền trước, chiếm dụng tiền...
Ông Trương Quan Hoài Nam – Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ – cũng cho biết, mặc dù TP. Cần Thơ đã nỗ lực hỗ trợ DN, nhưng 15.300 DN của Cần Thơ đều là các DN nhỏ và vừa, kinh nghiệm ít, việc tiếp cận thông tin thị trường còn gặp nhiều khó khăn.
Theo phản ánh từ các DN, với số lượng các mặt hàng xuất khẩu lên tới vài trăm mặt hàng, hệ thống thông tin DN cần là rất lớn.
Hiện nay, các hệ thống thông tin của Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của DN. Chính vì vậy, DN mong muốn Bộ Công Thương phối hợp với thương vụ tại các nước, tăng cường phối hợp, nắm bắt thông tin, xây dựng hệ thống thông tin về ngành hàng xuất khẩu để có thể hỗ trợ cho các DN trong nước.
Ông Nam cũng cho rằng, Liên hiệp quốc hiện có nhu cầu mua hàng tiêu dùng rất lớn đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, may mặc. Đây là các mặt hàng thế mạnh của các DN vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Ông Nam đề nghị các thương vụ hỗ trợ các DN tiếp cận được hệ thống mua sắm của Liên hiệp quốc để các DN có thể mở rộng thêm thị trường xuất khẩu.
Vệ sinh an toàn thực phẩm là “chìa khóa” mở rộng thị trường
Tại Hội nghị, các tham tán đã có những chia sẻ cụ thể về tình hình diễn biến của thị trường hàng hóa, chính sách mới nhất tại các nước mà các DN xuất khẩu quan tâm, đồng thời đưa ra các khuyến cáo đối với các DN.
Đối với các thị trường xuất khẩu lớn như Nhật Bản và Hoa Kỳ, các tham tán thương mại đặc biệt lưu ý DN xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông lâm thủy sản, cần đáp ứng được các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Đây chính là “chìa khóa” để xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường này.
Ông Đào Trần Nhân - Tham tán Công sứ thương mại Hoa Kỳ - lưu ý, DN xuất khẩu thực phẩm và đồ uống cho người và động vật tại Hoa Kỳ cần chú ý đến Luật An toàn vệ sinh thực phẩm của nước này.
Các DN cần lưu giữ hồ sơ sản xuất, chế biến của từng lô hàng để phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu kiểm tra tại chỗ các cơ sở sản xuất của các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ; trong lần xuất khẩu đầu tiên phải có hồ sơ giải trình về các biện pháp bảo đảm ATVSTP tại cơ sở sản xuất.
Chia sẻ tại Hội nghị, Tham tán Phạm Trung Nghĩa – Thương vụ Việt Nam tại Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) – cho rằng, việc trao đổi thông tin giữa các thương vụ tại các nước nói chung, tại UAE nói riêng và các cơ quan, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong nước cần phải được tăng cường theo 2 chiều.
Thương vụ sẽ cung cấp thông tin, diễn biến thị trường tại nước sở tại cho Vụ Thị trường (Bộ Công Thương), Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, hiệp hội ngành hàng. Đồng thời, ở chiều ngược lại, thương vụ tại các nước cũng cần nhận được thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh trong nước, để từ đó, có thể đưa ra các phân tích, đánh giá, nhận định chính xác về thị trường thế giới nhằm hỗ trợ các DN xuất khẩu sao cho có lợi nhất.
Bên cạnh đó, để việc trao đổi thông tin được nhanh chóng, các DN, hiệp hội ngành hàng trong nước cần nghiên cứu kỹ thị trường, gửi các câu hỏi tới các thương vụ một cách chuyên nghiệp, rõ ràng hơn, đi vào các vấn đề cụ thể.
Đồng thời, các hiệp hội ngành hàng cần có cơ chế xử phạt các DN trong hiệp hội có những hàng vi sai phạm làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh chung của các DN Việt Nam.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>