Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Tận dụng hiệu quả Hiệp định UKVFTA: Hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu sâu

22/11/2021

Sau gần 1 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), giá trị xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và UK đều tăng 2 con số. Mặc dù đạt kết quả tích cực, song dư địa thị trường hợp tác giữa 2 nước vẫn còn lớn, doanh nghiệp Việt Nam và UK có nhiều cơ hội để khai thác hơn nữa lợi thế mà UKVFTA mang lại.


Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và UK tận dụng tốt hơn những cơ hội và tiềm năng của UKVFTA, cũng như tháo gỡ, vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình thực thi, trong khuôn khổ Kế hoạch thực thi FTA trong năm 2021, ngày 18/11/2021, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Đại sứ quán UK tại Việt Nam tổ chức Tập huấn chuyên sâu về “Tận dụng hiệu quả Hiệp định UKVFTA đối với hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam UK” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Còn nhiều dư địa phát triển
Phát biểu tại Hội nghị tập huấn, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đánh giá cao sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Vương quốc Anh dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Điều này thể hiện quyết tâm đồng hành giữa Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Anh và cộng đồng doanh nghiệp 2 nước trong việc sẵn sàng cùng nhau thúc đẩy hợp tác phục hồi và phát triển kinh tế thương mại để thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình đại dịch COVID-19.
Ông Lương Hoàng Thái Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên phát biểu tại Hội nghị tập huấn
UKVFTA đã trải qua 1 năm thực thi với nhiều kết quả tương đối tích cực. Trong 10 tháng năm 2021, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và UK đạt 5,5 tỷ USD và giá trị xuất nhập khẩu đều tăng 2 chữ số. Theo đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh đạt 4,7 tỷ USD, tăng 15%, giá trị hàng hóa nhập khẩu từ UK vào Việt Nam đạt 706 triệu USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2020. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang UK là điện thoại, dệt may, da giày, sắt thép, thủy sản, rau quả... Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là máy móc, dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may, sản phẩm hóa chất...
Bà Emily Hamblin – Tổng lãnh sự Anh kiêm Giám đốc Thương mại Quốc tế tại Việt Nam – cũng nhấn mạnh, trước khi có Hiệp định UKVFTA, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại quan trọng của UK. Trong những năm gần đây, thương mại song phương tăng lên gấp 3 lần. Năm 2021, mặc dù có thách thức, nhưng đã chứng kiến tăng trưởng thương mại giữa 2 nước đạt 2 con số và hy vọng thời gian tới tiếp tục giữ được đà tăng trưởng này.
Mặc dù đạt kết quả tích cực song dư địa thị trường hợp tác giữa 2 nước còn lớn, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào UK mới chỉ chiếm 0,88% tổng giá trị nhập khẩu của thị trường Anh, giá trị nhập khẩu của Việt Nam mới chiếm 0,17% giá trị hàng hóa của UK xuất khẩu ra thị trường thế giới. “Mặt hàng xuất nhập khẩu giữa 2 quốc gia mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh, là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp 2 nước khai thác hơn nữa lợi thế của UKVFTA, từ đó nâng tầm quan hệ thương mại song phương trong thời gian tới lên tầm cao mới” – ông Lương Hoàng Thái cho biết.
Làm thế nào để tận dụng hiệu quả?
Tại hội nghị tập huấn, các chuyên gia đã cập nhật tình hình thực thi hiệp định của Việt Nam, những hướng dẫn chi tiết về cam kết của Việt Nam và UK trong khuôn khổ FTA, bao gồm về quy định pháp luật hiện hành, vấn đề thực thi về thuế quan, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, hải quan… cũng như thảo luận, giải đáp các thắc mắc chuyên sâu về các vấn đề nêu trên của các chuyên gia từ Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ thương mại quốc tế và tổ chức tiêu chuẩn của UK.
Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả Hiệp định UKVFTA với hoạt động xuất nhập khẩu, theo ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, trước hết, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy. Từ thực tế tiếp cận, có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh, tư duy theo lối an toàn, tập trung nhiều thị trường đã quen, thị trường truyền thống, chưa chú trọng các thị trường FTA lớn kể cả FTA vừa ký kết. Có nhiều doanh nghiệp còn chưa thực sự sẵn sàng xuất khẩu sang thị trường EU hay thị trường UK vì họ cho rằng có nhiều rào cản, tiêu chuẩn cao. “Vì vậy, để tận dụng hiệu quả UKVFTA, điều đầu tiên, đó là các DN phải thoát khỏi vùng an toàn để kinh doanh thị trường mới, bên cạnh những thị trường truyền thống đã quên làm từ trước đó” – ông Ngô Chung Khanh chia sẻ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin của thị trường, bằng cách kết nối qua cơ quan đầu mối là Bộ Công Thương, có thể kết nối trực tiếp qua cổng FTA (fta.moit.gov.vn), hoặc gọi trực tiếp đơn vị phụ trách của Bộ cung cấp thông tin. Khi có được đầu mối, tìm hiểu thông tin thị trường, yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu quy tắc xuất xứ để xác định thị trường đó có tiềm năng xuất khẩu không, sản phẩm có đáp ứng được tiêu chí ở các thị trường đó hay không, từ đó xác định định hướng kinh doanh tiếp theo. “Để hàng xuất khẩu sang thị trường FTA đòi hỏi 1 quá trình không đơn giản, nhưng nếu nắm được từng bước tiếp cận, công việc đó trở nên đơn giản hơn. Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực thi” – ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.
Với thị trường UK, ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại UK kiêm nhiệm Ai-len – cũng chia sẻ, để tiếp cận thị trường UK hiệu quả, trước tiên phải hiểu được tập quán, phương pháp tiếp cận các đối tác người Anh. Trước đại dịch, đối tác người Anh thường thích gặp trực tiếp nhà cung cấp tiềm năng để trao đổi. Còn trong bối cảnh đại dịch, họ chấp nhận phương pháp mới là chương trình giao thương trực tuyến, tuy nhiên họ vẫn “thờ ơ” và không thích phương pháp trực tuyến vì hiệu quả còn thấp. Hiện nay, nước Anh đã mở cửa gần như các hoạt động kinh tế, hội chợ quốc tế đã khôi phục từng bước. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam đã tiêm vaccine, có chứng nhận âm tính COVID-19 thì sẽ tham dự hội chợ quốc tế này. “Nếu gặp khó khăn không tham dự trực tiếp, doanh nghiệp Việt Nam có thể ủy quyền, cử đại diện của mình tại Anh để tham gia hội chợ quốc tế này, gặp gỡ đối tác nhập khẩu tiềm năng UK. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ gửi hàng mẫu sang, chi phí thuê gian hàng để đại diện bên UK tiếp cận khách hàng” – ông Nguyễn Cảnh Cường nói và gợi ý, một trong những đầu mối doanh nghiệp có thể đại diện, ủy quyền là Hội doanh nhân Việt Nam tại UK, hay doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể sử dụng mạng lưới các cựu sinh viên Việt Nam tại Anh, sinh viên học về kinh tế, kinh doanh tại Anh thay mặt tham gia các hội chợ quốc tế này. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam có thể quảng bá thông tin hình ảnh của sản phẩm trên nền tảng trực tuyến chuyên ngành tại Anh để tìm kiếm bạn hàng tiềm năng.
Để triển khai thực hiện đồng bộ hiệu quả UKVFTA, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 721/QĐ-TTg ngày 18/5/2021; Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch thực hiện UKVFTA theo Quyết định số 1449/QĐ-BCT ngày 24/5. Ngoài ra, đã có 5 bộ, ngành và 45 tỉnh, thành đã ban hành Kế hoạch thực hiện hiệp định. Về tình hình thực thi UKVFTA, hiện nay, Việt Nam đã ban hành, sửa đổi các văn bản pháp luật để thực thi Hiệp định: thuế quan, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại. Ngoài ra, đang hoàn thiện, trình ban hành các văn bản pháp luật về chứng nhận chủng loại gạo để hưởng hạn ngạch thuế quan; mua sắm của Chính phủ. Chính phủ cũng đã hoàn thành chỉ định các cơ quan đầu mối về thực thi theo từng lĩnh vực/Chương của Hiệp định.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>