Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Phát triển nghề rừng bền vững là hạt nhân của tăng trưởng xanh

26/09/2022

Chương trình Hỗ trợ Rừng và Trang trại (FFF) đang thực hiện giai đoạn I với tổng ngân sách 53 triệu USD, hỗ trợ các tổ chức sản xuất rừng và trang trại tại 12 nước, bao gồm Việt Nam. Chương trình này đã và đang giúp người sản xuất rừng trở thành những tác nhân thay đổi cảnh quan chống chịu biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế cho người dân địa phương… 


Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức sản xuất rừng và trang trại với chủ đề: “Hãy bảo vệ tương lai: Đầu tư cho việc đa dạng hóa do địa phương làm chủ nhằm tăng cường khả năng chống chịu khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực” đã diễn ra trong hai ngày 22 – 23/9/2022, tại Hà Nội. Sau hai năm trì hoãn do COVID-19, hội thảo lần này do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đăng cai, phối hợp cùng Chương trình hỗ trợ Rừng và Trang trại (FFF) – một chương trình hợp tác giữa Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO); Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED); Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và AgriCord tổ chức.

Nghề rừng nhận được hỗ trợ tài chính ít ỏi
Gần 200 đại biểu đến từ Việt Nam và 27 quốc gia, đại diện cho các tổ chức nông dân sản xuất rừng và trang trại, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các đối tác, các bên liên quan đã có mặt Hà Nội để cùng nhau học tập, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các sáng kiến nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các bên, giúp người sản xuất rừng hoạt động hiệu quả,
Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), năm 2021, ước tính trên thế giới có khoảng 1,5 tỷ người sản xuất rừng và trang trại quy mô nhỏ. Đây là lực lượng đang sản xuất khoảng 1/3 lượng lương thực, thực phẩm cho toàn cầu. Các tổ chức sản xuất rừng và trang trại gồm thành viên là các hộ nông dân nhỏ đang chiếm tới 84% tổng số trang trại trên toàn thế giới, sản xuất ra 35% lương thực cho toàn cầu dù chỉ sử dụng khoảng 12% diện tích đất nông lâm nghiệp của thế giới. Nhưng hiện nay các nông hộ nhỏ này lại đang phải cạnh tranh với hoạt động kinh doanh từ các công ty độc canh trên quy mô công nghiệp.
Phát triển kinh tế rừng và trang trại sẽ góp phần
 thực hiện thắng lợi chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh
Ông Ewald Rametsteiner, Phó Trưởng Ban Lâm nghiệp của FAO, cho biết để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều nông hộ nhỏ đang sản xuất ra các sản phẩm khác nhau trên cùng một diện tích canh tác. Sự đa dạng hóa đó đã giúp giảm bớt tính dễ bị tổn thương của các nông hộ nhỏ trước tác động của các cú sốc liên quan đến khí hậu và thị trường. “Trong khi đang sở hữu hoặc quản lý ít nhất 4,35 tỷ ha cảnh quan rừng và trang trại trên toàn cầu, là những tác nhân chính trong việc phục hồi cảnh quan rừng, nhưng những nông hộ nhỏ lại chỉ nhận được dưới 1,7% tài chính từ các chương trình hỗ trợ chống biến đổi khí hậu”, ông Ewald Rametsteiner nêu thực trạng. Theo ông Ewald Rametsteiner, nếu được quản lý đúng cách và hỗ trợ tài chính thích đáng, sự đa dạng hóa sản phẩm này có thể góp phần cải thiện chất lượng đất và thúc đẩy dinh dưỡng cho người dân tốt hơn. Những nông hộ nhỏ chính là những tác nhân thay đổi chính trong việc triển khai các giải pháp chống chịu với biến đổi khí hậu hiện nay.
Ông Ewald Rametsteiner cho biết Chương trình Hỗ trợ Rừng và Trang trại (FFF) là mối quan hệ đối tác do FAO chủ trì với các đối tác quốc tế đồng quản lý, để hỗ trợ tổ chức sản xuất rừng và trang trại phát triển những mô hình kinh doanh toàn diện thích ứng với biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế người dân. Hoạt động này góp phần thay đổi cảnh quan thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà các quốc gia đang thực hiện. Chương trình đang thực hiện giai đoạn I với tổng ngân sách 53 triệu USD, hỗ trợ các tổ chức sản xuất rừng và trang trại tại 12 nước, bao gồm Việt Nam. “Những chương trình như FFF sẽ giúp hỗ trợ nguồn tài chính nhiều hơn cho các nông hộ nhỏ, cộng đồng địa phương và người dân bản địa, vì kết quả của những hỗ trợ này sẽ tạo ra tính lan tỏa lớn cho mục tiêu chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu”, ông Ewald Rametsteinerhy vọng.
Kinh tế rừng đóng góp lớn cho tăng trưởng xanh
Chia sẻ về sản xuất rừng tại Việt Nam, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết diện tích rừng của Việt Nam hiện có 14,2 triệu ha, chiếm 43% diện tích lãnh thổ và tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2021 đạt 42,02%. Số lượng trang trại tại Việt Nam cũng đang phát triển mạnh và hiệu quả ngày càng cao với 18.945 trang trại. Trong đó: 3.471 trang trại trồng trọt, 11.807 trang trại chăn nuôi, 1.586 trang trại nuôi trồng thủy sản, 1.952 trang trại tổng hợp, 129 trang trại lâm nghiệp.
Ông Đoàn cho hay Tổ chức Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng mô hình mẫu về “nông nghiệp xanh”, nhân rộng các mô hình tiên tiến và hỗ trợ thực hiện có hiệu quả các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp cho các nông hộ. Cùng với đó là tích cực góp ý xây dựng, vận động thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án quốc gia về sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên đất và nước, phục hồi và phát triển các nguồn vốn tự nhiên. Theo ông Lương Quốc Đoàn, Việt Nam cùng với các quốc gia, cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đối khí hậu. Đặc biệt, tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ. “Phát triển kinh tế rừng và trang trại sẽ góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn bảo đảm rằng tự nhiên có đủ năng lực cung cấp nguồn lực sản xuất và môi trường sống”, ông Lương Quốc Đoàn khẳng định.
Theo Ban Tổ chức Chương trình hỗ trợ Rừng và Trang trại, sau 2 ngày hội thảo, các đại biểu sẽ tham gia một chuyến thăm quan thực địa 2 ngày (24 – 25/9) tại 5 tổ hợp tác, hợp tác xã ở các tỉnh Yên Bái và Bắc Kạn nhằm khuyến khích việc nhân rộng các thực hành tốt trong mạng lưới các tổ chức ở cấp cơ sở trên toàn cầu.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>