Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế: Không để lãng phí đất nông nghiệp

17/01/2022

Các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) thời gian qua đã thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, tuy nhiên, vẫn còn những bất cập cần được khắc phục để phát triển.


Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), hiện Việt Nam đã có 395 KCN được thành lập tại 61 tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng diện tích gần 123 nghìn ha. Cùng với đó, có 26 KKT cửa khẩu tại 21 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 766 nghìn ha và 18 KKT ven biển tại 17 tỉnh, thành phố có tổng diện tích mặt đất và mặt nước 871,5 nghìn ha.Các KCN, KKT đã trở thành những khu vực trọng điểm về thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Cụ thể, tính đến cuối tháng 10/2021, các KCN, KKT đã thu hút được 10.996 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 230,2 tỷ USD, có tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 69% và 10.211 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 2,54 triệu tỷ đồng, vốn thực hiện khoảng 46,6%. Năm 2020, các doanh nghiệp hoạt động tại KCN, KKT đã đóng góp giá trị kim ngạch xuất khẩu 138 tỷ USD, tương đương 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đóng góp vào ngân sách nhà nước 137 nghìn tỷ đồng và tạo việc làm cho khoảng 4 triệu lao động.

Các khu công nghiệp thu hút được nhiều dự án đầu tư
Đặc biệt, trong số các dự án FDI đầu tư vào các KCN, KKT, có không ít dự án lớn của các tập đoàn hàng đầu thế giới, như: Samsung, LG, Hyosung (Hàn Quốc) Sumitomo, Canon (Nhật Bản), Foxcon (Đài Loan), Robert Bosch (Đức)… các tập đoàn này đã có nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường toàn cầu, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế của khu vực và thế giới…Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nhất định, nhiều ý kiến cho rằng, các KCN, KKT thời gian qua cũng có những tồn tại, một số KCN và doanh nghiệp trong KCN không có hệ thống xử lý chất thải tốt, ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh KCN, KKT. Cộng đồng các KCN cũng như các doanh nghiệp hoạt động tại các KCN thiếu sự liên kết chặt chẽ, nên không tận dụng được lợi thế của nhau để phát triển. Nhiều địa phương xây dựng KCN nhưng lại không thu hút được nhà đầu tư, gây lãng phí đất nông nghiệp và nguồn vốn đầu tư…
Phát biểu tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào KCN, KKT diễn ra mới đây, ông Lê Thành Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ KH&ĐT) cho rằng, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới toàn diện và phát triển mạnh mẽ, để trở thành đất nước phát triển hiện đại, vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Điều đó đặt ra yêu cầu với các KCN, KKT cần có sự thay đổi để đảm bảo hiệu quả thu hút đầu tư và phát triển bền vững.Với yêu cầu đó, để khắc phục những hạn chế, nâng cao sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh tại các khu công nghiệp, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, định hướng phát triển KCN, KKT thời gian tới bên cạnh số lượng và quy mô cần phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành.
Cùng với đó, phát triển các loại hình KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao tại khu vực đồng bằng để phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị. Phát triển KCN có quy mô vừa và nhỏ tại khu vực nông thôn, miền núi để phát triển các ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, nông lâm thủy hải sản; các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày. Đặc biệt, sẽ hạn chế phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định. Thúc đẩy phát triển KCN, KKT theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Chuyển dịch cơ cấu dự án trong KCN, KKT thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường; sử dụng ít tài nguyên.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>