Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Những lưu ý cho doanh nghiệp khi xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế

08/06/2020

Nhằm cập nhật thông tin cần thiết liên quan đến việc xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, ngày 03/6/2020, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã tổ chức Tọa đàm "Những vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế".    


 

Quang cảnh buổi tọa đàm
Dịch bệnh Covid19 bùng phát và lan rộng trên toàn thế giới, dẫn đến nhu cầu trang thiết bị phòng chống dịch tăng đột biến, đặc biệt là nhóm sản phẩm vật tư y tế phòng hộ cá nhân như: khẩu trang, găng tay và trang phục bảo hộ…
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến hết năm 2020, thế giới cần 2,2 tỷ khẩu trang phẫu thuật, 1,1 tỷ găng tay y tế, 13 triệu kính bảo hộ và 8,8 triệu tấm che mặt phục vụ phòng, chống lây nhiễm Covid19.
Việt Nam hiện có khoảng 200 DN sản xuất mặt hàng phòng, chống dịch Covid19, như: khẩu trang, găng tay y tế, kính bảo hộ y tế, quần áo phòng dịch. Trước nhu cầu gia tăng mặt hàng này trên thế giới, các cơ sở sản xuất trong nước cần tăng công suất lên 40%.
Ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty TNHH May túi xách Minh Tiến (Miti) cho biết, khi dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát, nhu cầu khẩu trang chống dịch giảm, nhưng nhu cầu khẩu trang của các nước như Mỹ, châu Âu là rất lớn. Nắm bắt nhu cầu đó các DN quay sang sản xuất mặt hàng này để xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện hợp đồng xuất khẩu, nhà xuất khẩu phải tuân thủ theo một số các quy định mới phát sinh áp dụng trong mùa dịch, trong đó việc đáp ứng các yêu cầu về thủ tục thông quan và các chứng từ cần thiết đặt ra những khó khăn cho nhà xuất khẩu. Điều này đòi hỏi nhà nhập khẩu phải tìm hiểu và nắm vững các quy định và yêu cầu nêu trên để có thể xuất khẩu thành công, hạn chế rủi ro.
Ông Nguyễn Trần Khánh Hoàng, CEO Công ty TNHH Super Cargo Service cho biết, hiện Chính phủ đã có nhiều chính sách tạo thuận lợi cho DN trong sản xuất, xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế. Nhiều DN cũng đã kịp thời đón đầu được nhu cầu thực tế nên đã chủ động tìm kiếm đối tác và sẵn sàng cho việc xuất khẩu các mặt hàng này.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, hiện việc xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế của các DN đang gặp nhiều khó khăn do DN chưa có sự tìm hiểu trước về các yêu cầu về thủ tục, giấy tờ, các chứng nhận FDA và CE của nước sở tại nhập khẩu các mặt hàng đó. Bởi mỗi nước có một quy định riêng và một mức thuế nhập khẩu riêng.
Chẳng hạn, các DN cần lưu ý rằng để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU, các DN cần đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về mặt hàng này như dán nhãn CE (thích ứng với các quy định của EU) hoặc đáp ứng bộ tiêu chuẩn mà EU đang phối hợp cùng các nước thành viên đưa ra trong trường hợp chưa có nhãn CE – để xuất khẩu vào riêng từng quốc gia.
Do vậy, có những đơn hàng do không tìm hiểu rõ quy định đã xuất khẩu sang nước sở tại nhưng không đáp ứng thủ tục để nhập khẩu nên buộc phải trả về gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế nếu không tiêu thụ được ở các thị trường khác.
Ngoài ra, tại buổi tọa đàm đại diện các DN, chuyên gia cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong việc tìm nguồn nguyên liệu đạt chất lượng để đảm bảo sản phẩm đầu ra đáp ứng nhu cầu cao của các nước nhập khẩu cũng như về những thị trường tiềm năng cho xuất khẩu mặt hàng thiết bị bảo hộ y tế và phương cách để đạt được các tiêu chuẩn để xuất khẩu được mặt hàng này ra thị trường quốc tế.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>