Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Ngành gỗ: Xây dựng biện pháp ngăn chặn đầu tư núp bóng

19/04/2021

Lo ngại tình trạng đầu tư “núp bóng” vẫn hiện hữu đối với ngành gỗ gây ra nhiều rủi ro thương mại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của toàn ngành. Các cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực kiểm soát tình hình và đưa ra các biện pháp giảm rủi ro.


Đầu tư từ Trung Quốc dẫn dầu

Theo báo cáo “Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ngành gỗ Việt Nam: Thực trạng 2020 và xu hướng phát triển”, do nhóm nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) vừa công bố, mặc dù nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành gỗ năm 2020 sụt giảm nhưng số dự án đầu tư từ Trung Quốc cũng chiếm đa số. Cụ thể năm 2020, đầu tư FDI vào ngành gỗ có 63 dự án mới với hơn 372 triệu USD, giảm 36% về số dự án và 49% về vốn đầu tư so với năm 2019.Số liệu từ VIFOREST cũng nêu rõ, 3 tháng đầu năm 2021, ngành gỗ nhận 10 dự án đầu tư mới từ 6 quốc gia với tổng vốn hơn 112 triệu USD, có 8/10 dự án đầu tư vào sản xuất mặt hàng giường, tủ bàn ghế. Đáng chú ý, Trung Quốc có 5 dự án mới với tổng vốn hơn 13 triệu USD.
Nguồn vốn đầu tư FDI vào ngành gỗ năm 2020
sụt giảm
Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends, mặc dù FDI hiện là bộ phận không thể tách rời của ngành gỗ, nhưng một số hoạt động đầu tư FDI ẩn chứa rủi ro lớn và điều này đã và đang làm tổn hại tới ngành. Trong những năm gần đây, đặc biệt bắt đầu từ thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ – Trung diễn ra, tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng đã xuất hiện trong ngành, mang lại những rủi ro rất lớn cho ngành. “Tình trạng này nếu không được kiểm soát chặt có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho toàn ngành trong tương lai. Bởi, hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất cho ngành gỗ Việt Nam”, ông Tô Xuân Phúc khuyến cáo.
Ông Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch HAWA cũng nhận định, có hiện tượng một số nhà đầu tư vào Việt Nam chỉ thực hiện những công đoạn đơn giản như chủ yếu đưa sản phẩm từ Trung Quốc đến lắp ráp rồi cho xuất khẩu chứ không đầu tư máy móc bài bản để hoạt động lâu dài. Thậm chí, có hiện tượng nhà đầu tư thâu tóm doanh nghiệp gỗ trong nước để xuất khẩu vào thị trường Mỹ và các nước. Tuy nhiên, để có bằng chứng cụ thể về lượng doanh nghiệp đầu tư núp bóng, cần phải có cuộc điều tra từ các cơ quan chuyên ngành, cơ quan liên quan và doanh nghiệp trong ngành gỗ.
Xây dựng biện pháp giảm rủi ro
Nhận biết được tính nghiêm trọng của tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng, các cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực kiểm soát tình hình và đưa ra các biện pháp giảm rủi ro. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố nhằm kêu gọi kiểm soát chặt chẽ đối với các hành vi chống gian lận xuất xứ đối với các sản phẩm gỗ. Văn bản đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố kiểm tra các dự án đầu tư FDI để giảm rủi ro trong gian lận xuất xứ, ưu tiên lựa chọn dự án có tính vượt trội về công nghệ, tham vấn với các hiệp hội gỗ về dự án đầu tư, xem xét kỹ dự án đầu tư sản xuất các mặt hàng có yếu tố rủi ro gian lận.
Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, bảo vệ các nhà sản xuất Việt Nam trước nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, năm 2021, Tổng cục Hải quan đã đưa 15 nhóm hàng xuất khẩu trọng điểm vào diện kiểm tra gắt gao, trong đó có nhóm mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ, trọng tâm là dòng hàng gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ. Các nhóm đối tượng trọng điểm được xác định gồm: đối với xuất khẩu vào Hoa Kỳ, châu Âu, Ấn Độ với tốc độ kim ngạch tăng trưởng cao, đột biến hay chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, các mặt hàng có khả năng nhập khẩu về Việt Nam chỉ thực hiện công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản để xuất khẩu.
Ở góc độ hiệp hội, doanh nghiệp, ông Nguyễn Chánh Phương cho biết, để giải quyết tình trạng này, phía VIFORES và các hiệp hội địa phương đang phối hợp với các cơ quan quản lý địa phương xây dựng tiêu chí nhận biết dấu hiệu lẩn tránh xuất xứ, dấu hiệu đầu tư núp bóng, xây dựng bộ tiêu chuẩn cho gỗ nhập khẩu về Việt Nam để gửi cơ quan quản lý nhà nước, từ đó cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở để kiểm tra hoặc cấp phép phù hợp.
Đối với những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính trong các mặt hàng đang được chú ý, ông Phương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp này cần phải chuẩn bị đầy đủ thủ tục, giấy tờ, chứng từ kỹ lưỡng, nhằm tạo điều kiện cho cơ quan quản lý kiểm tra khi thông quan. Các doanh nghiệp cần không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, nếu vi phạm áp dụng chế tài trừng phạt rất nặng. Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn tình trạng đầu tư núp bóng, các tỉnh cần có sự quan tâm thích đáng tới các hoạt động đầu tư FDI tại địa phương mình, thiết lập các cơ chế kiểm tra, giám sát, với sự tham gia của các bên liên quan.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>