Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Khẩn trương khơi thông những tắc nghẽn trong nền kinh tế

08/11/2021

Việt Nam tiếp tục các biện pháp kiểm soát COVID-19 kết hợp với gia tăng độ bao phủ vaccine; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn ngắn hạn vẫn cần được thực hiện khẩn trương.


 

Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi Ảnh minh họa: TTXVN

Sáng 05/11/2021, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) phối hợp tổ chức Diễn đàn kinh tế thường xuyên 2 lần/năm với tên gọi “Nhịp đập kinh tế Việt Nam”.Mục tiêu chính của diễn đàn là nhằm tập hợp tri thức của các nhà quản lý, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và những cá nhân, tổ chức quan tâm thảo luận chuyên sâu về chính sách phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch và chiến lược phát triển quốc gia, xây dựng sự đồng thuận quốc gia trong quá trình phát triển không để ai bị bỏ lại phía sau.
Trình bày Báo cáo tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng 2022, TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia lưu ý, vào thời điểm báo cáo được hoàn thiện (10/2021), Việt Nam vẫn đang chống chọi với đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 (kéo dài từ quý II/2021), đặc biệt là 2 vùng động lực kinh tế phía Nam và phía Bắc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của cả nước.
Đánh giá tổng quan tình hình, TS.Thắng nhấn mạnh, số liệu thống kê công bố trong quý III/2021 cho thấy, nền kinh tế khó có thể phục hồi nhanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong quý III là nghiêm trọng. Quý IV/2021 cũng như đầu năm 2022 rất cần biện pháp cấp bách, nhất là các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, để đảm bảo khơi thông được những tắc nghẽn trong nền kinh tế. “Đợt dịch lần thứ 4 cũng đã bộc lộ rất nhiều vấn đề trong phân cấp, quản lý điều hành cũng như sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân trong đại dịch”, ông Trần Toàn Thắng nhận định.
Từ đó, các chuyên gia kiến nghị, trong ngắn hạn cần tiếp tục các biện pháp kiểm soát hợp lý COVID-19 kết hợp với gia tăng độ bao phủ vaccine. Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn ngắn hạn vẫn cần được thực hiện khẩn trương, tuy nhiên cần chú ý về chi phí thực hiện chính sách, cũng như hiệu lực thực thi chính sách tương đối thấp hiện nay.
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ cần cải cách kinh tế, chương trình tái cấu trúc; các doanh nghiệp cần tận dụng hội nhập, các hiệp định FTA; thu hút FDI có chất lượng; đồng thời, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…Cùng với đó, TS. Võ Trí Thành khuyến nghị, đi sâu cải cách và tạo dựng thể chế mới. Theo đó, Chính phủ cần cụ thể hóa cơ chế bảo vệ và động lực khuyến khích để cán bộ dám nghĩ, dám sáng tạo, dám làm vì sự phát triển đất nước…
Ông Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cấp cao của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khuyến nghị, Việt Nam cần cải tổ lại các tổ chức tài chính hiện có và tạo ra tổ chức tài chính mới để làm tăng cung tín dụng dài hạn tài trợ cho cơ sở hạ tầng và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với đó, năng lực cạnh tranh sẽ thúc đẩy tài chính cho phát triển. “Nếu các công ty của Việt Nam không thể cạnh tranh trong nước và quốc tế, đầu tư và tiết kiệm trong nước sẽ không tăng”, ông Jonathan Pincus nhấn mạnh.
Đối với trong dài hạn, Việt Nam cần chú ý cải thiện năng suất lao động, môi trường kinh doanh, đặc biệt, cần coi chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế như một cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới thể chế chính sách, thực thi nghiêm kỷ luật công vụ và có những điều chỉnh phù hợp với phân cấp quản lý nhà nước.Bên cạnh đó, các biện pháp thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là đầu tư cải thiện hạ tầng số và thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số là cần thiết; đồng thời, tận dụng gói hỗ trợ để phát triển một số ngành mũi nhọn, cải thiện chuỗi cung ứng và phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đã trình bày những nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề phát triển then chốt, cùng với sự tham gia của nhiều tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước với các quan điểm phong phú, đa dạng được kỳ vọng sẽ tạo ra các cuộc thảo luận chính sách sôi nổi và có chiều sâu về các vấn đề kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng các mục tiêu phát triển quốc gia.
Thúy Hiền, nguồn: https://bnews.vn/khan-truong-khoi-thong-nhung-tac-nghen-trong-nen-kinh-te/219886.html, ngày 05/11/2021 (HG trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>