Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Hiệp định EVFTA có thể được thực thi vào giữa năm 2020

03/09/2019

Đây là thông tin được ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đưa ra tại buổi “Bồi dưỡng kiến thức về Hội nhập kinh tế quốc tế trên các phương tiện truyền thông” do Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) và Báo Công Thương tổ chức ngày 23/8/2019. 


Tham gia FTA: Chuyển từ “bị động” sang “chủ động”
Lớp bồi dưỡng có sự tham gia đầy đủ của các lãnh đạo, công chức, viên chức, phóng viên các cơ quan báo chí thuộc Bộ Công Thương. Từ đó, có cái nhìn tổng quát, rõ hơn, sâu hơn và đúng hơn về bức tranh hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Nguyễn Hữu Quý – Tổng Biên Tập Báo Công Thương phát biểu
Ông Nguyễn Hữu Quý – Tổng biên tập Báo Công Thương – cho rằng, với sự tham dự của hơn 100 cán bộ, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí thuộc Bộ Công Thương, sẽ có sức lan tỏa rộng hơn về hội nhập kinh tế. Bởi báo chí chính là công cụ truyền thông hữu hiệu nhất, từ đó giúp người dân, doanh nghiệp hiểu thêm về các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định EVFTA sắp được phê chuẩn trong thời gian tới.
Chia sẻ về thông tin hội nhập, ông Lương Hoàng Thái cho biết, FTA thực chất là thỏa thuận mở cửa thị trường với sự tham gia của ít nhất 2 thành viên, và với mục đích cắt giảm hoặc loại bỏ hàng rào thuế quan, dịch vụ và đầu tư tạo thuận lợi cho thương mại. Vì vậy, trong những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của các FTA để thiết lập các Khu vực thương mại tự do. Nhằm phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế của thế giới và khu vực, Việt Nam cũng đàm phán và ký kết các FTA với các tổ chức quốc tế và khu vực.
Gia nhập ASEAN từ năm 1995, Việt Nam đã chính thức mở cửa hội nhập và bắt đầu tham gia các FTA. Tuy nhiên, ban đầu mới chỉ tham gia FTA với tư cách là thành viên khối ASEAN. Cụ thể, Việt Nam đã tham gia Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA), Khu vực Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, Khu vực Thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc, Khu vực Thương mại tự do ASEAN – Nhật Bản, Khu vực Thương mại tự do ASEAN – Úc – New Zealand, Khu vực Thương mại tự do ASEAN – Ấn Độ.
Theo ông Lương Hoàng Thái, giai đoạn này chủ yếu Việt Nam tham gia là các FTA thế hệ cũ, tập trung biện pháp ở biên giới, ít đi sâu vào quy định trong khuôn khổ chính sách quốc gia. Đặc biệt, Việt Nam tham gia vào các FTA này đều ở góc độ bị động. Bởi tất cả quy định của ASEAN đều có sẵn, Việt Nam không được đàm phán bất kỳ quy định nào và lợi ích khi đó hầu như không có, bởi các đối tác trên đều là đối tượng cạnh tranh sát sườn.
Tuy nhiên, sau đó, Việt Nam đã bắt đầu chủ động hơn, chủ động lựa chọn đối tác tham gia và vươn ra các thị trường xa hơn. Hiệp định đầu tiên manh nha là FTA Việt Nam – Nhật Bản. Tiếp theo đó là FTA Việt Nam – Chile, … và gần đây là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA” – ông Lương Hoàng Thái thông tin thêm.
Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – giới thiệu tổng quát về Hiệp định EVFTA
Tại buổi tuyên truyền về hội nhập kinh tế, ông Lương Hoàng Thái đặc biệt nhấn mạnh đến quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam – EU. Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam xuất khẩu sang EU năm 2018 là 42 tỷ USD, trong khi nhập khẩu 13,9 tỷ USD. EU luôn là 1 trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong thời gian qua. Điều này bù vào trước đây Việt Nam nhập siêu từ những nước Trung Quốc, Thái Lan… Ngoài ra, EU cũng là thị trường rộng lớn, họ cũng dành ưu đãi GSP cho Việt Nam. Bên cạnh đó, EU cũng là đối tác đầu tiên kết thúc đàm phán song phương với Việt Nam để Việt Nam gia nhập Tổ chức WTO. Chính vì vậy, “Việt Nam đã chọn EU để đàm phán FTA” – ông Lương Hoàng Thái cho biết và nhấn mạnh thêm, “nếu như Việt Nam có được Hiệp định EVFTA, có được quan hệ thương mại tự do với Hoa Kỳ, lúc đấy Việt Nam sẽ có 2 thị trường quan trọng nhất, đủ thực hiện mục tiêu lớn trong chính sách hội nhập kinh tế của đất nước”.
EVFTA khả năng thực thi vào giữa năm 2020
Nếu như trước đây, Việt Nam tham gia FTA ở thế bị động, thì đến nay, Việt Nam tham gia ở thế chủ động hơn, chủ động lựa chọn đối tác. Đặc biệt, Việt Nam có sự chuyển đổi về chất trong quá trình hội nhập nền kinh tế toàn cầu, tham gia FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao hơn. Chính vì vậy, khi bà Cecilia Malmsrom Cao ủy thương mại của EU đến Việt Nam ký Hiệp định EVFTA vào cuối tháng 6/2019, bà đã không ngần ngại chia sẻ rằng, Hiệp định EVFTA là hiệp định tham vọng nhất mà EU ký với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Lớp bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế thu hút nhiều sự tham gia của các cán bộ, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí thuộc Bộ Công Thương
Bởi EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa 2 bên. Với Hiệp định được ký kết, trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, gần như toàn bộ 100% biểu thuế và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa là 7 năm). Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Bên cạnh đó, những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.
Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định này cũng gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.
Tuy nhiên, việc ký kết Hiệp định EVFTA mới chỉ là bước đi đầu tiên, 2 bên vẫn còn phải trải qua một bước nữa để đưa Hiệp định vào thực thi. Để đi vào thực thi, Hiệp định này cần phải trình Quốc hội Việt Nam và Nghị viện EU phê chuẩn. Đối với Việt Nam, theo đúng quy trình quy định tại Luật Điều ước, Chính phủ sẽ trình bộ hồ sơ xin phê chuẩn sang Chủ tịch nước và Chủ tịch nước quyết định việc trình ra Quốc hội để xin phê chuẩn Hiệp định.
Còn về phía EU, chỉ cần Nghị viện EU phê chuẩn là có thể có hiệu lực ngay. “EU hiện nay đang có bầu cử mới, nghị viện mới, nên EU chưa thể khởi động ngay được. Đến đầu năm 2020, Nghị viện EU mới có thể xem xét hiệp định của Việt Nam. Sau đó, nếu thuận lợi, có phiên bỏ phiếu. Bỏ phiếu thành công, khả năng Hiệp định EVFTA đi vào thực thi vào giữa năm 2020. Tuy nhiên, hiện, EU đang có nhiều phức tạp hay vấn đề Brexit sẽ thực hiện vào cuối tháng 10 cũng có thể ảnh hưởng đến tiến trình này” – ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh thêm.

Thu Phương - Cấn Dũng, nguồn:https://congthuong.vn/hiep-dinh-evfta-co-the-duoc-thuc-thi-vao-giua-nam-2020-124190.html, ngày 23/8/2019, (VQ trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>