Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Gian nan thu hồi đất bị xâm lấn

07/09/2020

Do tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số còn lạc hậu, diện tích sản xuất nhỏ lẻ, nhiều khu rẫy nằm xen kẽ với rừng tự nhiên, cùng với công tác quản lý lỏng lẻo của các địa phương, các chủ rừng được giao quản lý rừng, đất lâm nghiệp… dẫn đến việc xâm lấn đất lâm nghiệp, đất rừng diễn ra trong suốt một thời gian dài.


Đất lâm nghiệp bị sử dụng trái phép

Những năm qua, do nhu cầu đất sản xuất, nhiều hộ dân ở khu vực Tây Nguyên xâm lấn đất lâm nghiệp để làm nương rẫy. Người dân lấn chiếm hàng trăm ngàn ha đất rừng, đất lâm nghiệp để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, bất chấp đó là việc làm trái pháp luật.
Mới đây, các chuyên gia đã nêu những con số đáng báo động như 13% diện tích rừng bị mất trong 3 năm từ 2014 – 2017, toàn bộ diện tích này bị sử dụng trái phép để trồng cây công nghiệp; tính từ năm 2010 – 2019 hơn 350.000 ha rừng bị mất. Theo số liệu của Ban Kinh tế Trung ương, có 150.000 người ở các tỉnh Tây Nguyên liên quan đến các vụ phá rừng làm nông nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, hiện có hàng trăm ngàn người dân sinh sống, sản xuất nông nghiệp trên đất rừng không được thừa nhận về mặt pháp lý, và không được hưởng các chính sách của Nhà nước, thu nhập khó khăn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn Tây Nguyên. Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp trên đất rừng hình thành từ các nguyên nhân như đất nông nghiệp được người dân sản xuất lâu đời xen kẽ trong các lâm trường trước đây; các công ty, ban quản lý nhận giao khoán bảo vệ rừng nhưng để người dân sử dụng sau mục đích chuyển sang đất nông nghiệp; xâm lấn rừng trái phép nhằm chiếm dụng đất trồng nông sản; người dân chiếm đất rừng trong quá trình di cư tự do.
Nhiều diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm khó có thể thu hồi để tái sinh rừng
Một trong số các giải pháp được Ban Kinh tế Trung ương đưa ra để chống mất rừng do người dân lấn chiếm để sản xuất đất nông nghiệp là cần xây dựng phương án sử dụng đất đến năm 2030 tại vùng Tây Nguyên, đảm bảo đất rừng được sử dụng đúng mục đích. Cùng với đó, xác định ranh giới rừng bị mất, thống kê hộ dân cùng tài sản trên đất rừng để thực hiện giải pháp chống mở rộng diện tích xâm lấn rừng trước khi có phương án tái định canh, định cư. Cùng với đó, xây dựng đề án tổng thể giải quyết tình trạng sản xuất nông nghiệp trên đất rừng và xác định rõ trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của chính quyền các cấp và các cá nhân, tổ chức nhận giao khoán bảo vệ rừng...
Khó thu hồi
Thực tế cho thấy, do tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số còn lạc hậu, diện tích sản xuất nhỏ lẻ, nhiều khu rẫy nằm xen kẽ với rừng tự nhiên, cùng với công tác quản lý lỏng lẻo của các địa phương, các chủ rừng được giao quản lý rừng, đất lâm nghiệp… dẫn đến việc xâm lấn đất lâm nghiệp, đất rừng diễn ra trong suốt một thời gian dài.
Tại tỉnh Gia Lai, theo thống kê, cuối năm 2019, diện tích sản xuất nông nghiệp trên đất quy hoạch lâm nghiệp tại tỉnh Gia Lai khoảng 75.904 ha. Trong đó, diện tích do các chủ rừng quản lý khoảng 35.963 ha, diện tích chưa có chủ rừng (do UBND cấp xã tự quản lý) khoảng 39.941 ha. Trong đó, người dân trồng khoảng 318 ha cao su, 268 ha cà phê, 89 ha hồ tiêu, 34 ha cây ăn quả và cây trồng khác khoảng 75.194 ha… Các ngành chức năng và chính quyền các địa phương ở Gia Lai đang tiếp tục rà soát diện tích sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp để có hướng xử lý phù hợp. Theo thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai, hiện đối tượng sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp đại đa số là cá nhân, hộ gia đình, với khoảng 11.126 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp xảy ra trước thời điểm thực hiện quy hoạch.
Trước thực trạng trên, chính quyền tỉnh Gia Lai đã có biện pháp đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân trên đất lâm nghiệp như rà soát lại 3 loại rừng, phân định rõ quy hoạch đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp. Những diện tích đã xây dựng nhà ở, sản xuất ổn định thì đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng để địa phương quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Đối với diện tích nằm trong quy hoạch 3 loại rừng thì thu hồi, vận động người dân chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp hoặc trồng lại rừng. Với chủ trương này, trong 3 năm từ 2017 đến 2019, chính quyền tỉnh Gia Lai đã vận động người dân kê khai diện tích đang sản xuất cây nông nghiệp được trên 31.568 ha. Trong đó, qua đối chiếu quy hoạch 3 loại rừng, có khoảng 17.865 ha sản xuất trên đất quy hoạch lâm nghiệp; diện tích trồng rừng khoảng 18.098 ha.
Tuy nhiên, thực tế, diện tích đất thu hồi trong những năm qua là không đáng kể. Vì vậy, theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để quản lý, bảo vệ rừng Tây Nguyên hiệu quả, cần ổn định tình trạng dân di cư tự do, xác định rõ trách nhiệm của chủ rừng, đơn vị quản lý các cấp; rà soát, điều chỉnh các loại rừng để có giải pháp bảo vệ phát triển rừng… Đồng thời, các tỉnh Tây Nguyên cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách pháp luật hiện hành; rà soát xây dựng cơ chế chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên; tiếp tục sắp xếp đổi mới công ty lâm nghiệp; đẩy mạnh việc phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục giao rừng gắn với giao đất cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân quản lý; không để phát sinh diện tích rừng bị tranh chấp, lấn chiếm…
Giao Long, nguồn: https://thoibaonganhang.vn/gian-nan-thu-hoi-dat-bi-xam-lan-105944.html, ngày 01/9/2020 (HA trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>