Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Doanh nghiệp Việt nên ứng xử thế nào trước xung đột thương mại Mỹ – Trung?

24/07/2018

 Ngày 06/7/2018, Mỹ và Trung Quốc sẽ chính thức áp đặt mức thuế cao lên hàng hóa của nhau. Căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới sẽ có tác động không nhỏ đến Việt Nam.


 Tác động hai chiều

Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Việt Nam có thể chịu tác động hai chiều từ căng thẳng thương mại Mỹ Trung Quốc.
Tác động tích cực được TS. Thắng chỉ ra là cơ hội từ thị trường Mỹ nếu hàng xuất khẩu Trung Quốc bị hạn chế. Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho rằng, tác động này không lớn do các sản phẩm Trung Quốc bị áp thuế cũng không phải là sản phẩm chủ lực của Việt Nam, đồng thời khối FDI sẽ có một số lợi thế so với doanh nghiệp trong nước, nên cơ hội với thị trường Trung Quốc cũng không nhiều.
"Ngược lại, Việt Nam có thể chịu tác động tiêu cực do tốc độ tăng trưởng chung toàn cầu bị giảm đi kéo theo cầu về hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm. Ngoại trừ EU, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng tiêu cực", ông nói.
Cụ thể, dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm 0,3 điểm % vào năm 2019 và mạnh hơn trong các năm 2021 2023. Tương tự, tốc độ tăng nhập khẩu sẽ giảm khoảng 0,6 điểm %. Điều này cho thấy sản xuất của các doanh nghiệp đặc biệt khu vực FDI khi nhập khẩu nhiều nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng.
Một tác động tích cực khác được TS. Trần Toàn Thắng chỉ ra có thể đến từ dòng vốn FDI tăng thêm, trong điều kiện các nước sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
"Tuy nhiên, tác động này không đáng kể, thậm chí FDI vào Việt Nam còn có xu hướng giảm xuống. Điều này có thể do tác động của thương mại bị ảnh hưởng làm cho tình hình sản xuất của khu vực FDI bị ảnh hưởng, vì vậy sẽ hạn chế một chút dòng đầu tư. Tuy nhiên cần chú ý là tác động này không quá lớn (-0,01 điểm %)", vị này đánh giá.
Cùng với đó, ông Thắng lưu ý thêm về tác động tỷ giá. Với nền kinh tế Mỹ, tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại diễn ra đồng thời với tác động tích cực của việc cải cách thuế của Mỹ. Theo một số dự báo, đồng USD vẫn giữ được giá trị, vì thế có thể không ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá với VND, mặc dù trong thời gian gần đây có xu hướng tăng một chút.
"Song cần chú ý về tỷ giá với Nhân dân tệ. Đồng tiền này đã giảm giá liên tục và dự báo sẽ giảm giá sâu hơn, được coi là phản ứng của Trung Quốc với sức ép của Mỹ. Trung Quốc cũng đã hạn chế lượng đầu tư vào Mỹ cũng như mua trái phiếu chính phủ Mỹ để hạn chế tác động tiêu cực của việc đồng Nhân dân tệ giảm giá. Và vì vậy, động thái tiếp tục cho giảm giá sâu có thể xảy ra để bù đắp thiệt hại về thuế", ông Thắng nhận định.
Cùng quan điểm với ông Thắng, trước đó, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, khi hàng hóa của Trung Quốc khó xuất sang Mỹ thì quốc gia này sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
"Đây là cơ hội cho không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, khi có thể mua được nguyên nhiên vật liệu, linh kiện, chi tiết, phụ tùng giá rẻ. Từ đó, hàng hóa sẽ tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu và có cơ hội gia tăng xuất khẩu vào Mỹ để thay thế phần nào hàng hóa Trung Quốc", ông Thiên nói.
Tuy nhiên, ông Thiên cũng cảnh báo đối với sản xuất hàng tiêu dùng thì căng thẳng thương mại Mỹ Trung là đáng lo ngại. Vì khi hàng hóa "chất lượng Mỹ" không xuất khẩu được vào Mỹ thì Trung Quốc sẽ tìm cách "đổ bộ" vào các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt cần tăng cường theo dõi và cẩn trọng
Trước áp lực căng thẳng thương mại Mỹ Trung, TS. Trần Toàn Thắng đưa ra khuyến cáo, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, đặc biệt là thông báo, cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc, cũng như động thái tỷ giá cả đồng USD và Nhân dân tệ để doanh nghiệp có phản ứng kịp thời.
Cần khuyến cáo doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam khẩn trương tìm hiểu thị trường Mỹ, đặc biệt là với các loại hàng hóa trong danh mục bị áp thuế, để tìm cơ hội đa dạng hóa danh mục xuất khẩu vào Mỹ. Ngoài ra, tiếp cận nhanh với các nhà đầu tư FDI lớn tại Trung Quốc để xúc tiến đầu tư vào Việt Nam khi thị trường Trung Quốc và Mỹ đều bị ảnh hưởng.
Đồng thời, cần nghiên cứu sâu hơn danh mục một số hàng hóa của Trung Quốc có thể nhập vào Việt Nam trong trường hợp xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị hạn chế để có cách thức đối phó và kiểm soát phù hợp.
Song song với đó, cần chuẩn bị tốt các thông tin liên quan đến phòng vệ thương mại với Mỹ trong trường hợp chiến tranh thương mại lan rộng.
"Trung Quốc sẽ có xu hướng đẩy mạnh đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), cần nghiên cứu kỹ và có chiến lược thỏa thuận sớm do phụ thuộc của Trung Quốc vào các quốc gia trong RCEP tăng lên", TS. Thắng nhận định.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>