Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Doanh nghiệp gỗ lo mất thị trường xuất khẩu vì chậm "lớn"

05/10/2020

Hiện nay, doanh nghiệp FDI vẫn đang thống lĩnh tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ. Nếu không nhanh lớn mạnh về quy mô, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể thua trên "sân nhà", đánh mất thị trường xuất khẩu từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết.


20 năm qua, ngành gỗ và chế biến gỗ đã đi từ chế biến gỗ thủ công, làng nghề, tiêu thụ nội địa trở thành ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu ra thị trường thế giới. Tuy vậy, theo đánh giá của ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, hiện nay các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam vẫn hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Năm 2019, số lượng doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là 2.392 (doanh nghiệp FDI là 612, doanh nghiệp trong nước là 1.780). "Có thể thấy quy mô trung bình kim ngạch xuất khẩu của một doanh nghiệp FDI là 6,7 triệu USD/năm và quy mô trung bình kim ngạch xuất khẩu của một doanh nghiệp Việt Nam là 2,8 triệu USD/năm. Điều đó có nghĩa là, quy mô doanh nghiệp FDI bằng 2,4 lần doanh nghiệp Việt Nam", ông Hiệp tính toán. Từ thực tế này dễ thấy, doanh nghiệp FDI vẫn đang thống lĩnh tổng kim ngạch xuất khẩu, thậm chí năm sau còn cao hơn năm trước. Trong khi đó, quy mô doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhỏ, khó cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI. Xuất phát từ những phân tích trên, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương nhận định: "Nếu không lớn lên, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể thua trên "sân nhà", đánh mất thị trường xuất khẩu từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết".
Doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam hầu hết vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: Nguyễn Thanh
 
Phân tích sâu hơn về những thách thức mà doanh nghiệp gỗ Việt phải đối mặt trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều FTA, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đánh giá, về lao động, các FTA đều đặt ra cam kết thực thi hiệu quả tiêu chuẩn cơ bản của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), các Hiệp định đa phương về môi trường mà Việt Nam đã ký kết, gồm thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR), minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp. Trong khi đó, Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển và ngành gỗ sử dụng rất nhiều lao động phổ thông. Phần lớn các doanh nghiệp Việt có quy mô vừa và nhỏ, chịu ảnh hưởng rõ nét của tập quán lao động mùa vụ, năng suất thấp và chi phí sản xuất cao. Thời gian tới để gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp gỗ Việt, ông Thiện kiến nghị cho phép các doanh nghiệp lâm nghiệp, doanh nghiệp chế biến, sản xuất đồ gỗ và sản phẩm gỗ tiếp cận dòng vốn vay ODA lãi suất thấp để có thêm nguồn vốn tín dụng hình thành, phát triển các chuỗi liên kết vùng, liên kết nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng nguyên liệu gỗ lớn và chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu quy mô lớn.
Theo ông Hiệp, để tránh tình trạng thua trên "sân nhà" và mất dần thị trường xuất khẩu vào tay các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp gỗ Việt cần phải liên kết với nhau, cùng nhau nâng cấp chuỗi giá trị của ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. "Chúng tôi đề nghị Nhà nước có cơ chế chính sách để hình thành những khu công nghiệp chuyên ngành tập trung trước mắt là trong ngành chế biến gỗ và sau có thể lan rộng sang các ngành kinh tế khác", ông Hiệp nhấn mạnh.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>