Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Chính sách tài chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững

23/09/2019

Phát biểu tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2019, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu nhiều thách thức đặt ra trước mắt cũng như dài hạn, từ đó “đặt hàng” các đại biểu tham gia diễn đàn đóng góp ý kiến để chính sách tài chính – ngân sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 


 

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu khai mạc Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2019. Ảnh: T.T
Sáng 19/9/2019, tại Quảng Ninh, Bộ Tài chính tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2019, với chủ đề “Cải cách chính sách tài chính nhằm tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chủ trì hội nghị.
Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2019 có sự tham gia của khoảng 300 đại biểu là đại diện lãnh đạo các cơ quan chính phủ, cơ quan trung ương; các bộ, ngành; các tổ chức quốc tế (Cơ quan Hợp tác kỹ thuật của Đức, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á…); các  cơ quan nghiên cứu, viện khoa học và trường đại học; các chuyên gia, nhà khoa học…
Còn nhiều thách thức trong cơ cấu lại nền kinh tế
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, diễn đàn diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động. Nhiều chuyên gia trong giới nhận định còn nhiều khó khăn, thách thức, dự báo trong 5 10 năm tới có dấu hiệu suy giảm, một bộ phận rơi vào khủng hoảng.
“Dự báo năm 2021 2022 kinh tế suy giảm dưới 2% thay vì 3,6% như dự báo trước đó, quan trọng hơn, đó là suy giảm có tính chu kỳ, mang tính quy luật, dư địa hạn hẹp về lãi suất, thuế, thị trường… Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm như vậy, khoa học công nghệ đang là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi phát triển. Đó là bối cảnh để hoạch định chính sách cho tương lai”  Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.
Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh hiện nay, đổi mới mô hình tăng trưởng, thay đổi cơ cấu nền kinh tế, thực hiện cơ cấu lại nền tài chính quốc gia 10 năm qua đã đạt được kết quả bước đầu nhưng những thách thức, khó khăn còn rất lớn. Điều đó, thể hiện ở điểm mặc dù tăng trưởng đạt được ở mức độ 6,35% cho giai đoạn 5 năm qua. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng và đổi mới mô hình cơ cấu của nền kinh tế còn hạn chế và còn nhiều thách thức.
Thách thức lớn nhất đó là cơ cấu nền kinh tế và năng suất lao động trong nền kinh tế. Theo dự báo khả năng đến năm 2028 2030, Việt Nam sẽ ra khỏi cơ cấu dân số vàng và không còn điều kiện phát triển trên cơ sở diện rộng cũng như nguồn lực cho sự phát triển.
“Do vậy, cần phải bàn về thách thức này. Với cơ cấu dân số vàng kết thúc vào năm 2028 và với năng suất lao động như hiện nay, tích luỹ tài sản đạt 27% GDP nếu không có quan điểm mục tiêu giải pháp phù hợp để phát triển nhanh và bền vững, đạt mức độ là nước phát triển trung bình cao trước năm 2028 thì chúng ta không còn cơ hội”  Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ ra bất cập.
Phân tích từ các con số, Thứ trưởng nêu: Nhìn cơ cấu kinh tế từ góc độ ngân sách cho thấy, mặc dù đã đưa ra mục tiêu phấn đấu nhưng 10 năm qua khu vực kinh tế tư nhân chưa trở thành động lực của nền kinh tế. Tuy nhiên, khu vực này đóng góp vào thu ngân sách cao gấp 1,8 lần so với doanh nghiệp nhà nước, cao hơn 1,5 lần khu vực doanh nghiệp FDI.
Thứ trưởng khẳng định: “Những con số đó minh chứng cho thách thức trong tái cơ cấu nền kinh tế. Về tài chính ngân sách, bên cạnh kết quả đạt được như tỷ lệ động viên ngân sách khoảng 23 24% GDP đạt mục tiêu đề ra, thì cơ cấu động viên còn chưa bền vững. Nợ công đã được kiểm soát ở tầm vĩ mô toàn quốc, địa phương và ở cả nghĩa vụ nợ dự phòng của Nhà nước, tuy nhiên, vẫn còn ở mức độ cao. Tính đến hết năm 2018 nợ công ở mức 57,5% GDP. Trong cơ cấu chi ngân sách, chi thường xuyên dù đã giảm từ 66% xuống còn 62% nhưng vẫn còn cao; thặng dư thu chi cho đầu tư phát triển còn thấp hơn trong khu vực”.
Trong quản lý tài chính công, để thúc đẩy phát triển kinh tế, thách thức lớn nhất hiện nay đó là quản lý, quản trị tài chính công, đặc biệt là quản trị đầu tư công. Vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương và IMF đã đánh giá hiệu quả quản lý sử dụng đầu tư công ở Việt Nam đã chỉ ra rằng đây là điểm nghẽn lớn trong quản lý tài chính công và điều này có thể làm suy giảm hiệu quả sử dụng tài chính công, đầu tư công.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định: Để phát triển nhanh và bền vững, quan điểm của Bộ Tài chính đó là phát triển phải trên cơ sở hiệu quả, bền vững, bao trùm. Với quan điểm đó phát triển chính sách tài chính – ngân sách phải đảm bảo thúc đẩy các vấn đề xã hội, trọng yếu là xóa đói giảm nghèo, đảm bảo dịch vụ công cần thiết với chất lượng đạt yêu cầu của khu vực và quốc tế.
Để đạt được mục tiêu đó, chính sách tài chính không thể không nhắc tới đó là phát triển nhưng phải đi liền giải quyết môi trường, đảm bảo sự bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu mà Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu.
Giải bài toán về tài chính – ngân sách thúc đẩy tăng trưởng
Với yêu cầu và mục tiêu phát triển trong trung hạn 2020 2020 và dài hạn 2020 2030, nếu không phát triển được ở mức độ 7 7,5% trong 10 năm tới thì không còn cơ hội để phát triển.
Diễn đàn có sự tham dự của đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học. Ảnh: T.T
Do đó, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn mong muốn tại diễn đàn, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng đánh giá lại thực trạng hiện nay của chính sách tài chính của Việt Nam, từ đó chỉ ra được những thách thức tồn tại của chính sách đó.
Thứ trưởng mong muốn tại diễn đàn này sẽ có những kiến nghị, đóng góp về 7 vấn đề lớn, đó là:
Thứ nhất, đóng góp về chính sách động viên, nâng cao quản trị hiệu quả của tài chính công; giải pháp để chặn đứng tình trạng kém hiệu quả, lãng phí của quản lý sử dụng đầu tư công, tài chính công; đổi mới thể chế chính sách để thúc đẩy dịch vụ công quan trọng cho cộng đồng dân cư và nền kinh tế; chính sách liên quan đến phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp chính quyền, giữa người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai, cần có những giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển khu vực kinh tế tư nhân, với yêu cầu khu vực này không chỉ đóng góp 10% trong GDP mà phải từ 20 – 25%; phấn đấu trong 10 năm tới, có 6 – 10 doanh nghiệp tư nhân trong top 500 doanh nghiệp của thế giới. Có như vậy mới đưa khu vực doanh nghiệp tư nhân trở thành trụ cột, đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.
Thứ ba, cần có đánh giá để sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính công, đẩy mạnh đổi mới sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo số liệu, việc sắp xếp lại, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa thực chất, số lượng doanh nghiệp sắp xếp lại rất lớn lên đến 90%, nhưng số lượng quy mô vốn thoái mới được 10%.
Thứ tư, mục tiêu phát triển thị trường vốn, phải giải quyết các vấn đề bất cập, như: Thị trường chứng khoán dường như phát triển khá nhưng trái phiếu doanh nghiệp dường như quá nhỏ bé, trên 9% so với GDP, nhỏ so với dư nợ tín dụng (132%); trong đó còn nhiều tranh luận về cơ cấu của 9% này (cho sản xuất, dịch vụ, đổi mới sáng tạo…). Huy động nguồn lực của kinh tế tư nhân trong hợp tác công tư, đầu tư phát triển hạ tầng đạt nhiều kết quả nhưng vẫn còn nhiều tồn tại.
Thứ năm, chúng ta đang sống trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, vậy giải pháp về tài chính – ngân sách phải làm gì, để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này; những đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực, sử dụng ngân sách đầu tư cho giáo dục; sử dụng nguồn lực của xã hội để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo...
Thứ sáu, còn nhiều quan điểm đưa ra, trong chiến lược 10 năm tới, phải chăng là phát triển đô thị; nếu thống nhất quan điểm đó, thì giải pháp về tài chính – ngân sách phải sửa đổi những nội dung gì để thúc đẩy tăng trưởng, có quy hoạch phù hợp với chiến lược để đô thị thực sự trở thành động lực trong 10 năm tới.
Thứ bảy, cơ chế chính sách tài chính – ngân sách phải thay đổi gì để góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế Việt Nam trên cơ sở thay đổi cơ cấu lại nền kinh tế.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn bày tỏ mong muốn, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu cùng đánh giá thực trạng, chỉ ra bất cập của chính sách tài chính – ngân sách trong yêu cầu tác động của nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Bộ Tài chính mong muốn nhận được các đóng góp về giải pháp không chỉ trong trung hạn mà cả trong dài hạn 10 năm tới./.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>