Ngày 09/11/2020, tại TP.HCM, 9 hiệp hội gỗ trong cả nước đã ký cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ Việt Nam theo hướng bền vững. Các hiệp hội gồm: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Thanh Hóa (THVIFORES), Chi hội Gỗ dán, Chi hội Dăm gỗ. Cam kết nhằm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật của Việt Nam, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã ký liên quan đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học cũng như thể hiện trách nhiệm xã hội, môi trường trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các hiệp hội ký cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ Việt Nam theo hướng bền vững. (Ảnh: Như Huỳnh)
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam đã trở thành một ngành quan trọng không chỉ về kinh tế mà còn về khía cạnh xã hội và môi trường từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, cách nhìn chung của cộng đồng về ngành chưa tương hợp, khi cho rằng sự phát triển của ngành gắn liền với suy giảm trữ lượng rừng, gây nhiều hệ lụy về môi trường lẫn xã hội, là nguyên nhân chủ yếu của những biến cố thiên tai, lũ lụt nặng nề vừa qua. Thực tế, cách hiểu này không còn đúng. Từ lâu nay, ngành gỗ Việt Nam đã quen với việc sử dụng gỗ nguyên liệu được khai thác từ rừng trồng để đưa vào sản xuất, chế biến xuất khẩu. Điều này phù hợp với sự phát triển của diện tích rừng trồng trong cả nước, ngành gỗ thừa hưởng được thành quả từ các chương trình 327 phủ xanh đất trống đồi núi trọc từ năm 1994. Theo đó, trữ lượng gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước hằng năm ước đạt trên 35 triệu m3.
Nhu cầu nguyên liệu đã thúc đẩy diện tích rừng trồng tăng giúp cho độ che phủ rừng tăng theo, hoàn thiện chuỗi cung ngành lâm nghiệp, tạo ra công ăn việc làm thay đổi đời sống các hộ trồng rừng, tác động tích cực đến môi trường và xã hội. Việc sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng cũng phù hợp với nhu cầu và xu hướng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Đây hầu hết là các thị trường có quy định ngặt nghèo về nguồn gốc gỗ, tính hợp pháp của gỗ. Bởi người tiêu dùng tại các thị trường này không chấp nhận các sản phẩm gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, đặc biệt là các loài gỗ nhiệt đới, gỗ quý. Các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam nhận thức được rõ các quy định cũng như thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường trên và đã chấp hành nghiêm túc các quy định và yêu cầu này. Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam cũng sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nước Mỹ, châu Âu, Australia, Canada, NewZeland…. Đây hầu hết là các nước có nền lâm nghiệp phát triển, rừng được trồng, quản lý và khai thác bền vững. Do đó, các hiệp hội cùng cam kết tuân thủ đầy đủ Nghị định 102/2020/NĐ-CP (Nghị định VNTLAS) ngày 01/9/2020 của Chính phủ Qui định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS) để đảm bảo toàn bộ các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, khai thác, vận chuyển, mua bán, chế biến gỗ được thực thi hợp pháp.
Ngoài ra, các hiệp hội kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tăng cường sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, sản phẩm làm từ gỗ rừng trồng trong nước và gỗ nhập khẩu từ nguồn rủi ro thấp; ưu tiên nguồn gỗ nguyên liệu được khai thác từ các diện tích rừng được quản lý bền vững. Đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường nội địa theo hướng sử dụng gỗ hợp pháp, đẩy mạnh thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ, kêu gọi chuyển đổi từ gỗ nguyên liệu đầu vào từ nguồn rủi ro nhập khẩu sang gỗ rừng trồng trong nước, sản phẩm gỗ từ rừng trồng, và từ gỗ nhập khẩu từ nguồn rủi ro thấp....