Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Bán tín chỉ các-bon: Tiềm năng lớn của Đồng Nai

22/08/2022

Đồng Nai có hàng trăm ngàn ha rừng có thể sản xuất, trao đổi, bán tín chỉ các-bon (là giấy phép cho phép người mua thải một lượng các-bon hoặc các loại khí nhà kính khác trong giới hạn nhất định). Đây được xem là nguồn “tài nguyên” mới của tỉnh để giảm chi ngân sách cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện sinh kế cho người trồng rừng và lực lượng kiểm lâm. 


 

Đại diện học sinh và doanh nghiệp trồng cây gây rừng
tại Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai. Ảnh: B. Mai
Hơn 170 ngàn ha rừng có thể sản xuất tín chỉ các-bon
Chia sẻ về tiềm năng này, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Đồng Nai, ông Lê Thuần Thành cho biết, tỉnh hiện có hơn 170 ngàn ha rừng, trong đó diện tích rừng đặc dụng chiếm gần 100 ngàn ha. Rừng ở Đồng Nai có đặc điểm “giàu” cây xanh, độ che phủ cao là do từ nhiều năm trước tỉnh đã thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên, hằng năm chi ngân sách lớn cho bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng. Ông Thành cho rằng, việc sản xuất và bán tín chỉ các-bon có ý nghĩa lớn, thông qua hoạt động này có thể giảm chi ngân sách cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia trồng và chăm sóc rừng. Từ đó làm gia tăng diện tích rừng, tăng khối lượng carbon được phép thải ra.
Chia sẻ tại hội nghị sơ kết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, ông Nguyễn Hoàng Hảo cho rằng, hiện nay đời sống của viên chức, lao động đơn vị và các hộ gia đình nhận giao khoán rừng còn nhiều khó khăn. Nếu có thêm nguồn thu từ rừng, thêm chế độ đãi ngộ thì lực lượng này sẽ có điều kiện cải thiện cuộc sống, yên tâm giữ và phát triển rừng.
Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển Việt Nam cho rằng, mặt bằng chung cán bộ, công nhân ngành lâm nghiệp có mức thu nhập thấp hơn so với các ngành nghề khác, trong khi điều kiện làm việc khó khăn. Nếu địa phương có cơ chế hỗ trợ, đãi ngộ như: bảo hiểm, phụ cấp hoặc khai thác giá trị kinh tế rừng từ du lịch, cho thuê dịch vụ môi trường rừng, bán tín chỉ các-bon tái đầu tư cho rừng thì rất tốt. “Hiện nay, nhiều quốc gia đã bán tín chỉ các-bon để tái đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Các nhà máy có chỉ số phát thải cao hơn mức quy định sẽ bị phạt tiền, nhưng nếu họ mua tín chỉ các-bon để bù đắp phần chênh lệch sẽ không bị phạt nữa. Đây là nội dung mới được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đồng Nai có diện tích rừng lớn, sinh khối nhiều, việc tạo ra tín chỉ carbon để bán là tiềm năng để có nguồn thu tái đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện cuộc sống người trồng rừng và giúp cân bằng lượng khí thải từ hoạt động công nghiệp và đô thị hóa” – TS Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.
Sẽ có đề án về tín chỉ các-bon
Biển hiệu tuyên truyền bảo vệ rừng tại
Vườn quốc gia Cát Tiên (H. Tân Phú). Ảnh: CTV
Hiện nay, nhiều quốc gia đã áp dụng mua bán tín chỉ các-bon. Theo đó, doanh nghiệp (DN) phát sinh khí và khí thải nhà kính lớn bị áp đặt mức trần phát thải và nếu phát thải vượt trần phải mua chứng chỉ phát thải. Mức trần được phép phát thải sẽ ngày càng giảm theo Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu, điều này đồng nghĩa với nhu cầu tín chỉ carbon ngày càng tăng lên.Việt Nam hiện tham gia vào các công ước, thỏa thuận nói trên và cam kết mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Có nhiều giải pháp để thực hiện cam kết này như: chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch; thực hiện giảm phát thải khí metan, giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính; giảm rác thải… và rác thải nhựa, và phát triển rừng để hấp thu khí CO2 là một trong số đó.
Ông Lê Thuần Thành cho biết, tỉnh Quảng Nam đang thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon, một số tỉnh đang lập đề án về sản xuất và bán tín chỉ các-bon. Đồng Nai đang chờ nghị định cụ thể của Chính phủ để xây dựng đề án xác định khối lượng giá trị các-bon của từng khu rừng và toàn tỉnh và xin cơ chế tham gia thị trường trao đổi, mua bán các-bon.“Vừa qua, chúng tôi đi trao đổi kinh nghiệm với một số tỉnh về công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ lưu trữ và hấp thụ các-bon. Chúng tôi có tìm hiểu việc triển khai thí điểm, kết quả và những thuận lợi, khó khăn. Đây là bước chuẩn bị để đơn vị tham mưu đề án sắp tới” – ông Thành chia sẻ.
Là một trong những tập đoàn phát sinh chất thải lớn, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam chia sẻ, DN đang triển khai nhiều nhóm giải pháp nhằm hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong đó có mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất cà phê góp phần giảm phát thải trung bình 12,7 ngàn tấn CO2/năm và giảm 74% nhiêu liệu để vận hành lò hơi; chuyển đổi ống hút nhựa sang ống hút giấy để giảm khoảng 700 tấn rác thải nhựa/năm. Trong năm 2022, Nestlé đã trồng 1 ngàn cây gỗ lớn tại Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, góp phần tái tạo và phục hồi hệ sinh thái rừng, hạn chế các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Tín chỉ các-bon như một giấy phép phát thải của DN. Việc thúc đẩy mua bán tín chỉ các-bon không chỉ giúp tái bảo vệ và phát triển diện tích rừng mà còn là công cụ kinh tế để thúc đẩy DN chủ động giảm phát sinh khí thải ra môi trường.

Hoàng Lộc, nguồn: http://baodongnai.com.vn/kinhte/202208/ban-tin-chi-carbon-tiem-nang-lon-cua-dong-nai-3130594/, ngày 18/08/2022 (HG trích dẫn)



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>