Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Ba trọng tâm khôi phục kinh tế của Chính phủ năm 2022

10/01/2022

Khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và giải ngân vốn đầu tư công là những trọng tâm để đạt mục tiêu GDP tăng 6 6,5% năm nay.


2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021 2025. Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương sáng 05/01/2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp hơn và sức chống chịu của người dân, doanh nghiệp giảm sút, năm nay cần tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế.

Chính phủ xác định 3 trọng tâm trong năm nay, gồm khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược. Cùng đó là Chính phủ ưu tiên khôi phục, ổn định thị trường lao động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống người dân.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị Chính phủ với các địa phương. Ảnh: Hoàng Phong
Một số chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2022 đã được Quốc hội chốt giao vào kỳ họp cuối năm ngoái, gồm:
Chỉ tiêu
Kế hoạch năm 2022
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP)
6 – 6,5%
GDP bình quân đầu người
3.900 USD
Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP
Khoảng 25,5 – 25,8%
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Bình quân 4%
Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân
5,5%
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh COVID-19 phức tạp, một trong số giải pháp là thu hút các nguồn lực, nhất là từ xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Những dự án hạ tầng trọng điểm có tính kết nối vùng, liên vùng sẽ được đẩy nhanh trong năm nay, như dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành... “Chúng ta phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công. Đầu tư công sẽ dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp, nhất là hợp tác đối tác công tư”, ông Khái nói.
Chính phủ sẽ xử lý cơ cấu lại 2 ngân hàng thương mại yếu kém trong năm 2022; xây dựng phương án xử lý các ngân hàng yếu kém còn lại và các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả. Đồng thời, ngân sách Nhà nước sẽ được cơ cấu lại, tăng quản lý nợ công.
Báo cáo trước đó về tình hình kinh tế xã hội năm 2021, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, dịch COVID-19 khiến đất nước đối mặt với những thách thức chưa có tiền lệ. Nhờ những nỗ lực, kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 là 2,58%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,84%. Thu ngân sách nhà nước đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,7%, chi ngân sách nhà nước đạt 1,4 triệu tỷ đồng, bội chi ngân sách ở mức thấp, ước dưới 4%. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục cải thiện, năm 2021 thu hút đầu tư nước ngoài tăng trưởng cao. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử, chuyển đổi số...


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>