Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

5 hiệp hội bắt tay để xuất khẩu gỗ bền vững

07/03/2022

Nhằm mục tiêu phát triển bền vững ngành gỗ Việt Nam, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 18 20 tỷ USD… mới đây, 5 hiệp hội ngành gỗ đã cùng nhau ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển bền vững ngành gỗ Việt Nam.


Nhiều thuận lợi để ngành gỗ tăng trưởng bứt phá

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 01/2022 đạt 1,55 tỷ USD, tăng 8,3% so với tháng 12/2021 và tăng 14,3% so với tháng 01/2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,15 tỷ USD, tăng 6,8% so với tháng 12/2021, tăng 6% so với tháng 01/2021. Mặc dù trong tháng 01/2022 hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bị gián đoạn do bắt đầu tuần nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng trị giá xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng mạnh.
Nhiều thuận lợi để ngành gỗ tăng trưởng bứt phá
trong năm 2022
Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới hầu hết các thị trường chính đều tăng trong tháng 01/2022, trong đó dẫn đầu là thị trường Hoa Kỳ đạt 928,2 triệu USD, tăng 11% so với tháng 12/2021 và tăng 12,8% so với tháng 01/2021; tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 153 triệu USD, tăng 6,3% so với tháng 12/2021 và tăng 16,3% so với tháng 01/2021; Trung Quốc đạt 134,4 triệu USD, tăng 5,4% so với tháng 12/2021, tăng 27% so với tháng 01/2021…
Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương nhận định, năm 2022 nhiều thuận lợi để ngành gỗ tăng trưởng bứt phá, nhờ kinh tế toàn cầu dần phục hồi tăng trưởng sau đại dịch COVID-19, ngành xây dựng tại nhiều thị trường hoạt động mạnh thúc đẩy nhu cầu về đồ nội thất tăng. Đồng thời, sự chủ động về công nghệ sản xuất, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu nhờ việc tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do của các doanh nghiệp Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy gỗ và sản phẩm gỗ.
Dư địa cho phát triển ngành gỗ Việt Nam là rất sáng. Tuy nhiên, ngành gỗ cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức FOREST TRENDS – cho hay, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5 – 6 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ để chế biến ra các sản phẩm gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Gỗ nguyên liệu là một trong những cấu thành quan trọng nhất trong mỗi sản phẩm, với giá trị chiếm khoảng 50% trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Tỷ trọng này tăng kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu xảy ra. Nguyên nhân là bởi đại dịch làm tăng giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu và tăng cước vận chuyển. Với chi phí vận chuyển ở mức vẫn rất cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đây là tín hiệu cho thấy giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này đang và sẽ tiếp tục gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu có sử dụng gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Đại dịch COVID-19 xảy ra là đứt gãy chuỗi cung, gây ra tình trạng khan hiếm container rỗng. Điều này làm chi phí vận chuyển đường biển quốc tế tăng phi mã. “Giá cước vận chuyển và giá gỗ tăng làm cho ngành gỗ Việt Nam giảm lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế”, ông Tô Xuân Phúc nhận định.
Theo ông Lê Xuân Quân – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, ngành gỗ của Việt Nam đang thu hút sự quan tâm chú ý của khách hàng, đối tác toàn cầu. Chính vì vậy, doanh nghiệp ngành gỗ cần phải nỗ lực, sáng tạo nâng cao công nghệ trong quá trình sản xuất sản phẩm, chú trọng tới xu hướng và nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, cần chủ động ngăn ngừa giả mạo xuất xứ, bởi các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Canada… rất khắt khe về gian lận thương mại và trốn thuế. Nhằm hỗ trợ ngành gỗ phát triển một cách bền vững và tăng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ, ông Lê Xuân Quân cũng kiến nghị các Bộ, ngành chức năng tạo kênh liên kết, để kết nối các hãng tàu lớn trong và ngoài nước với nhau nhằm ổn định giá cước vận chuyển trong xuất nhập khẩu để giảm chi phí logistics. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nguyên liệu gỗ bền vững, liên kết giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến gỗ. Tổ chức liên kết tạo ra nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp nhằm đáp ứng cho ngành.
Và cái “bắt tay” của 5 hiệp hội
Nhằm mục tiêu phát triển bền vững ngành gỗ Việt Nam, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 18 – 20 tỷ USD… 5 hiệp hội ngành gỗ gồm: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) đã cùng nhau ký kết thỏa thuận hợp tác. Theo đó, các hiệp hội thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước; giới thiệu, quảng bá doanh nghiệp và hình ảnh, chất lượng, mẫu mã các sản phẩm đồ gỗ Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế, cùng nhau xây dựng thương hiệu ngành gỗ Việt Nam.
Bên cạnh đó, cùng nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của ngành gỗ Việt Nam thông qua việc hợp tác, liên kết hình thành và phát triển một khu lâm nghiệp công nghệ cao ở phía Nam trở thành một trung tâm đồ gỗ liên vùng có quy mô và năng lực sản xuất, chế biến, thương mại đồ gỗ và sản phẩm gỗ hàng đầu trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương dựa trên sự liên kết hợp tác chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ trong cả nước, vận dụng những thế mạnh của các địa phương đi tiên phong, bao gồm Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định và một số tỉnh thành khác.
Cùng với cái “bắt tay” của 5 hiệp hội, ông Tô Xuân Phúc cho rằng, tạo nguồn gỗ nguyên liệu trong nước phục vụ tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu sẽ trực tiếp góp phần thúc đẩy ngành phát triển bền vững trong tương lai. Để làm được điều này đòi hỏi các cơ chế, chính sách về liên kết chuỗi và về đất đai cần có những thay đổi theo hướng tạo môi trường thúc đẩy hình thành liên kết, cởi trói và giải phóng tiềm năng về đất đai thông qua các mô hình liên kết. Bên cạnh đó, việc siết chặt kiểm soát gỗ rủi ro nhập khẩu, quản lý và minh bạch hóa thị trường nội địa sẽ giúp giảm lượng cung gỗ rủi ro nhập khẩu, từ đó tạo cơ hội cho các nguồn gỗ rừng trồng trong nước, bao gồm cả gỗ tạo ra bởi các mô hình liên kết phát triển. “Các cơ chế chính sách này sẽ tạo ra động lực nhằm giúp ngành gỗ giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm cả nguồn gỗ rủi ro. Các giải pháp này cũng trực tiếp thúc đẩy mở rộng các diện tích rừng chất lượng cao tại Việt Nam trong tương lai”, ông Tô Xuân Phúc chia sẻ.
Nguyễn Hạnh, nguồn: https://congthuong.vn/5-hiep-hoi-bat-tay-de-xuat-khau-go-ben-vung-172648.html, ngày 01/3/2022 (VQ trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>