Tin tức >> Kinh tế thế giới có liên quan

Nền kinh tế đang kiệt quệ của EU ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?

01/02/2021

Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại quan trọng, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU tương đối lớn. Tuy nhiên, đối mặt với đại dịch Covid-19 đang "càn quét" EU, tình hình kinh tế khu vực này hiện đang có nhiều tín hiệu tiêu cực với mức tăng trưởng thấp và khó có thể phục hồi sớm.


 Kinh tế EU đang kiệt quệ

Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại quan trọng, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. (Nguồn: VGP News)
Theo Báo cáo Kinh tế 2020 vừa được Ủy ban châu Âu (EC) công bố, các nền kinh tế thuộc EU và khu vực đồng tiền chung châu Âu (EuroZone) sẽ suy giảm lần lượt ở mức 7,5% và 7,75%, do hậu quả từ đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, thiệt hại gây ra bởi Covid-19 nhiều khả năng đến cuối năm 2021 vẫn chưa thể khắc phục được. Theo đó, nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức, sẽ giảm 6,3% trong năm nay trước khi hồi phục trở lại với mức tăng trưởng 5,3% trong năm 2021. 3 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19 là Pháp, Italy và Tây Ban Nha sẽ giảm hơn 10% trong 2020. Tốc độ hồi phục sau dịch cũng có sự chênh lệch. Chẳng hạn, kinh tế Tây Ban Nha và Pháp có thể khôi phục cao hơn Italy.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng từ đại dịch cũng gây ra tác động nặng nề tới thị trường việc làm, với tỷ lệ thất nghiệp trên toàn EU được dự báo tăng từ 6,7% vào năm 2019 lên 9% năm 2020, sau đó giảm xuống còn 8% vào năm sau. Tính đến ngày đầu tháng 5, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết, hơn 1,1 triệu người đã mắc Covid-19 trên khắp châu Âu, với hơn 137.000 trường hợp tử vong. Toàn bộ diễn biến của tăng trưởng kinh tế và đầu tư quốc tế cũng như tốc độ hồi phục kinh tế của các nước châu Âu ảnh hưởng trực tiếp đến các nước đang phát triển mà trong đó có Việt Nam. Thiệt hại có thể nghiêm trọng hơn, nếu đại dịch tiếp tục kéo dài, ngăn chặn việc mở cửa lại của các doanh nghiệp và hoạt động du lịch, thương mại song phương bị đình trệ. Trước tình trạng này, nhiều thành viên EU, trong đó có cả những nền kinh tế chủ chốt, đều đã đưa ra dự đoán ảm đạm về hậu quả của đại dịch trong việc thúc đẩy kinh tế thương mại. Xu hướng giảm nguồn thu công cũng đang khiến các nước châu Âu cắt giảm các nguồn đầu tư trực tiếp vào các nước đang phát triển và một số hoạt động thúc đẩy kinh tế cũng đang chững lại, chậm triển khai hơn.
Thách thức với Việt Nam
Không chỉ EU, Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đơn cử như những bất cập từ thể chế, chính sách; năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, yếu kém và sự gắn kết, đồng hành giữa các bộ, ban, ngành, chính quyền các cấp với doanh nghiệp, người dân… trong sản xuất, đầu tư, dịch vụ chưa thật cao, cùng các chuẩn mực nền tảng bảo đảm phát triển bền vững trong hội nhập quốc tế chưa thật tốt.
Bên cạnh các ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình tăng trưởng của các nước EU, khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như FTA Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức đi vào thực thi, Việt Nam còn tồn đọng những bất cập từ thể chế, chính sách, năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, yếu kém; trong khi đạo đức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và sự kết gắn, đồng hành giữa các bộ, ban, ngành, chính quyền các cấp với doanh nghiệp, người dân… trong sản xuất, đầu tư, dịch vụ chưa thật cao, cùng các chuẩn mực nền tảng bảo đảm phát triển bền vững trong hội nhập quốc tế chưa thật tốt… Thêm vào đó, đối với EVFTA, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức từ việc mở cửa thị trường sẽ tạo sức ép lớn hơn cho hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó là những thách thức xuất phát từ các vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam như hạn chế về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, hạn chế từ các thách thức ngành…
Để chủ động trong tình hình EU có nhiều diễn biến phức tạp với xu hướng tiêu cực về tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Việt Nam cần chú trọng trên các phương diện như sau:
Về thương mại, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU mang tính bổ trợ hơn là cạnh tranh, nên tận dụng được các hiệp định thương mại như EVFTA sẽ là một cú huých lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong đại dịch Covid-19 với việc tăng cường sản xuất các ngành dệt may, nuôi trồng thủy hải sản để xuất khẩu sang thị trường EU. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ EU cũng sẽ tăng do mức thuế quan hiện nay Việt Nam áp dụng với hàng nhập khẩu của EU đang ở mức cao. Tuy nhiên, gia tăng nhập khẩu sẽ không tập trung vào thời điểm ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, vì Việt Nam có lộ trình xóa bỏ thuế dài, từ 7 – 10 năm.
Về dài hạn, Việt Nam đặt mục tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người khoảng 22 nghìn USD, tiến tới trở thành một xã hội thịnh vượng và sáng tạo. Mục tiêu cụ thể được đưa ra gồm: Tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội duy trì bình quân khoảng 20 đến 25%. Song song với đó, Việt Nam cần tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) quy mô lớn từ tập đoàn xuyên quốc gia trong danh sách Global 2000 (bảng xếp hạng hàng năm của 2000 công ty đại chúng lớn nhất trên thế giới) của Forbes vào các ngành sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến và dịch vụ hiện đại. Lĩnh vực ưu tiên thu hút là công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ thông tin và viễn thông, điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, tự động hóa, vật liệu mới...
Nguyễn Lê Đình Quý, nguồn: https://baoquocte.vn/nen-kinh-te-dang-kiet-que-cua-eu-anh-huong-the-nao-den-viet-nam-135384.html, ngày 31/01/2021 (VQ trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>