Tin tức >> Kinh tế thế giới có liên quan

Kinh tế vững, Trung Quốc tích cực thực hiện thỏa thuận Mỹ

02/11/2020

Bắc Kinh đang tích cực mua dầu và nông sản Mỹ trong tháng 9 như một nỗ lực để thực hiện thỏa thuận thương mại với ông Trump.


Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu và xuất khẩu tăng đột biến trong tháng 9, với mức tăng trưởng lần lượt là 13,2% và 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự gia tăng mạnh mẽ cho thấy cách Bắc Kinh đang điều hướng hoạt động nhập khẩu hàng hóa Mỹ thực hiện theo các thỏa thuận thương mại đã ký hồi đầu năm. Cụ thể, hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ theo thỏa thuận đã đạt tới mức cao kỉ lục 9,9 tỷ USD trong tháng 9, với giá trị nhập khẩu các mặt hàng dầu thô, dầu đậu nành và xe hơi ghi nhận mức tăng mạnh. Tuy nhiên, tính đến hết tháng, Trung Quốc mới chỉ đạt 38,5% mục tiêu đề ra về nhập khẩu 170 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong năm 2020. Nhập khẩu mặt hàng năng lượng từ Mỹ trong tháng 9 tăng 75% so với tháng 8, khi Trung Quốc nhập khẩu một lượng dầu thô cao kỉ lục. Điều này có thể xuất phát từ nguyên nhân nhu cầu dầu thô giá rẻ của Mỹ để phục vụ sưởi ấm cho mùa đông đang tới gần của nền kinh tế thứ 2 thế giới tăng cao. Nhập khẩu các mặt hàng trong tháng cũng tăng 60%, riêng đậu nành tăng 600%. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết trong một thông tin phát hành ngày 23/10, đến nay, Trung Quốc đã đạt được khoảng 71% mục tiêu năm 2020 theo thỏa thuận giai đoạn một.

Trung Quốc bắt đầu các nỗ lực thực hiện thỏa thuận thương mại với Mỹ
Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ký kết hồi tháng 01/2020, Trung Quốc đồng ý tăng thêm 200 tỷ USD giá trị nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ của Mỹ trong năm 2021, với mốc so sánh là giá trị nhập khẩu của năm 2017. Đại dịch COVID-19 đã phá hỏng một phần kế hoạch này, khi nhu cầu đứt gãy trong quý I/2020. Nhưng sau thời điểm này, kinh tế Trung Quốc bắt đầu hồi phục, nhập khẩu hàng hóa tăng trở lại. 
Theo các nhà phân tích, việc Bắc Kinh tăng mua hàng hóa Mỹ cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới dẫu là nơi khởi nguồn của đại dịch COVID-19. "Khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên của Trung Quốc trong xuất khẩu chủ yếu được thúc đẩy bởi vị thế là nền kinh tế đầu tiên và là nền kinh tế đầu tiên thoát khỏi đại dịch COVID-19" – Tạp chí Fortune dẫn bình luận của các nhà phân tích tại Công ty Nomura cho biết. Họ cũng cho rằng, nhu cầu về thiết bị y tế và thiết bị điện tử cá nhân tiếp tục tăng cũng đã kích thích thị trường xuất khẩu của Trung Quốc và càng giúp có được thế mạnh kinh tế.
Xuất khẩu các mặt hàng điện tử có giá trị gia tăng cao đã chứng tỏ sức bật đặc biệt tốt cho nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay, khi phần lớn lực lượng lao động thuộc tầng lớp trung lưu trên thế giới xoay trục sang làm việc tại nhà. Các lô hàng máy tính cá nhân đã cung cấp một sự thúc đẩy rất cần thiết cho dữ liệu GDP quý II của Trung Quốc, đưa nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng sau sự suy giảm trong 3 tháng đầu năm, theo Fortune.
Theo Bo Zhuang, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại TS Lombard, nhập khẩu thịt lợn và đậu nành từ Mỹ đang thúc đẩy tăng trưởng khi Trung Quốc cố gắng duy trì cam kết trong giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng vẫn dè chừng việc thực hiện thỏa thuận thương mại trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 03/11 tới. Ông Zhuang nói: “Trung Quốc không muốn leo thang hoặc xấu đi trong quan hệ với Mỹ, vì vậy họ đang cố gắng tỏ ra tốt đẹp trong vài tháng. Bắc Kinh đang trì hoãn [việc mua hàng-ND] thời gian cho đến cuộc bầu cử vào tháng 11.”


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>