Tin tức >> Kinh tế thế giới có liên quan

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi mạnh mẽ

03/08/2020

Nhờ bùng nổ xây dựng, kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong tháng 7.


 Diễn biến PMI sản xuất (màu vàng) và phi sản xuất (màu xanh) của Trung Quốc 5 năm qua

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 31/7/2020, cho biết chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7/2020 của nước này đạt 51,1, trên ngưỡng 50 phản ánh sự tăng trưởng của sản xuất. Con số này cao hơn mức 50,9 của tháng trước và cao hơn dự báo theo khảo sát của Bloomberg là 50,8. Trong khi đó, PMI phi sản xuất tháng qua đạt 54,2, giảm so với mức 54,4 trong tháng 6 và thấp hơn một chút so với kỳ vọng của các nhà phân tích là 54,5. Các chỉ số thành phần cho thấy sự phục hồi không đều giữa ngành dịch vụ và xây dựng. Cụ thể, chỉ số lĩnh vực xây dựng, nhờ vào sự bùng nổ của các tòa nhà mới, tăng lên 60,5 từ mức 59,8 của tháng 6. Trong khi đó, chỉ số dịch vụ giảm nhẹ xuống 53,1, từ mức 53,4 của tháng trước. Chốt lại, PMI tổng hợp tháng qua của Trung Quốc đạt 54,1, cao hơn mức 53,4 vào tháng 6, báo hiệu sự mở rộng ổn định dần trong nền kinh tế Trung Quốc. Điều này trái ngược với dữ liệu ở các nền kinh tế hàng đầu khác trên thế giới. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới có GDP quý II giảm 9,49% so với cùng kỳ 2019. Đây là thị trường hàng hóa lớn nhất của Trung Quốc và sự suy yếu này cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất tại nước này.
Cả PMI sản xuất và phi sản xuất hiện đã trên ngưỡng 50 điểm, tức trong vùng tích cực suốt 5 tháng qua, sau khi lao dốc vào vùng tiêu cực trong 2 tháng đầu năm. Nền kinh tế Trung Quốc cũng đã phục hồi từ mức giảm 6,8% trong quý I, với mức tăng trưởng 3,2% trong quý II.
SCMP cho rằng, tốc độ tăng trưởng này khiến nhiều người ngạc nhiên, vì một số bộ phận của nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa khôi phục đầy đủ công suất. Tuy nhiên, xu hướng chung là nhiều dữ liệu cho thấy các hoạt động kinh tế đang chuyển biến tích cực. Thương mại phục hồi mạnh mẽ với xuất khẩu tăng 0,5% trong tháng 6 so với một năm trước, nhập khẩu tăng 2,7%. Trong PMI sản xuất, chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới là 48,4, cho thấy các nhà sản xuất tự tin hơn về xuất khẩu trong tháng tới. Trong khảo sát tháng trước, con số này chỉ ở mức 42,6. Nhưng vẫn có một số thách thức phía trước. Dữ liệu vận chuyển bằng đường biển cho thấy việc buôn bán vật tư y tế và thiết bị bảo hộ cá nhân sang Mỹ đã giảm trong đầu tháng này. Đối với Trung Quốc, đây là một thị trường bùng nổ bất ngờ trong những tháng đầu năm, giúp cho dữ liệu xuất khẩu tăng trưởng vào tháng 4. Các chủ sở hữu nhà máy vẫn chưa hy vọng sẽ tuyển được nhiều nhân viên hơn đáng kể trong tháng tới, với chỉ số việc làm mới vào tháng 7/2020 trong PMI chỉ đạt 49,3, cao hơn một chút so với tháng 6 là 49,1. Đối với các công ty phi sản xuất, đây là 48,1, từ 48,7 tháng trước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang cố gắng thúc đẩy nền kinh tế theo hướng tiêu dùng trong nước và tự lực. Các nhà hoạch định chính sách có thể hài lòng khi thấy các đơn đặt hàng trong nước được cải thiện. Tháng 7, chỉ số đặt hàng mới đạt 51,5 cho các công ty sản xuất và 51,7 cho phi sản xuất, cả hai đều tăng nhẹ so với tháng 6. "Thông qua kế hoạch kết hợp kiểm soát đại dịch và phát triển chính sách, môi trường kinh tế của Trung Quốc đã tiếp tục phục hồi và hoạt động kinh doanh tiếp tục được cải thiện", ông Zhao Qinghe, nhà thống kê cao cấp tại NBS, cho biết.
Vào tháng 6, lợi nhuận của các công ty công nghiệp cũng tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhảy vọt từ mức tăng 6% trong tháng 5. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận lũy kế vẫn giảm 12,8%. Các công ty khai thác mỏ và thương nhân nước ngoài đã báo cáo các lô hàng quặng sắt kỷ lục trong những tuần gần đây, dấu hiệu cho thấy xây dựng và bất động sản của Trung Quốc đang bắt đầu khởi động. Rio Tinto, Tập đoàn FortesTHER Metal và Tập đoàn BHP xác nhận phần lớn doanh số bán hàng trong nửa đầu năm đến từ Trung Quốc.
Trung Quốc vừa có vài đợt bùng phát dịch trong những tuần gần đây, cho thấy sự phục hồi có thể vẫn còn mong manh. Hơn nữa, nước này đã bị bao vây bởi lũ lụt gần như toàn quốc, ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, kể từ đầu tháng trước. Lượng mưa lớn đã phủ rộng ở 27 tỉnh, với ít nhất 21 tỉnh tuyên bố mức độ ngập lụt nghiêm trọng. Chính phủ Trung Quốc trong tuần này ước tính thiệt hại kinh tế trực tiếp là 16,6 tỷ USD, với hơn 2 triệu người phải di dời dọc theo sông Dương Tử. Các nhà phân tích đã chỉ ra nguy cơ thảm họa này đe dọa sức phục hồi của đất nước.
Phiên An (theo SCMP), nguồn: https://vnexpress.net/kinh-te-trung-quoc-tiep-tuc-phuc-hoi-manh-me-4139272.html, ngày 31/7/2020 (VQ trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>