Tin tức >> Kinh tế thế giới có liên quan

Đối thoại EAEU – ASEAN tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg

07/06/2021

Quan chức thuộc Ủy ban Kinh tế Á – Âu nhận định ASEAN là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao đồng thời sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật đem đến nhiều cơ hội phát triển mới.


 May hàng xuất khẩu tại tỉnh Hưng Yên, Việt Nam (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ngày 03/6/2021, trong khuôn khổ ngày thứ hai của Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF 2021) đã diễn ra cuộc đối thoại kinh doanh giữa Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU) và ASEAN. Đây là cuộc đối thoại duy nhất tại SPIEF 2021 của 2 khối khu vực và nó diễn ra theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến dưới sự điều hành của ông Ivan Polyakov, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Nga ASEAN. Đánh giá về tiềm năng hợp tác giữa 2 khối, ông Sergey Glazyev, Thành viên Hội đồng Bộ trưởng phụ trách Hội nhập và Kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Á Âu nhận định ASEAN là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao đồng thời sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật đem đến nhiều cơ hội phát triển mới. Chính vì thế ông đề nghị thiết lập khu vực ưu đãi thương mại giữa EAEU và ASEAN.
Phát biểu theo hình thức trực tuyến, Tổng Thư ký ASEAN, ông Dato Lim Jock Hoi lưu ý năm 2021 là năm kỷ niệm 25 năm quan hệ Đối tác Đối thoại Nga ASEAN. Tổng Thư ký Lim Jock Hoi cũng nêu một vài số liệu thương mại giữa ASEAN và EAEU như kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2019 đạt gần 20 tỷ USD, đầu tư của EAEU vào ASEAN năm 2019 đạt 68,5 triệu USD. Theo ông Lim Jock Hoi, hiện ASEAN coi trọng phục hồi bền vững hướng tới phát triển bền vững và văn minh vì thế ông bày tỏ tin tưởng số hóa và phát triển bền vững, cũng như tăng trưởng xanh là những khía cạnh bản lề có thể cho phép 2 khối tăng cường hợp tác.
Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Công thương Liên bang Nga, ông Alexey Gruzdev cho rằng 2 bên cần đa dạng hóa thương mại để phát triển bền vững. Ông cũng đề xuất 2 bên hợp tác trong các lĩnh vực chế tạo ôtô và máy bay theo phương thức toàn diện kết hợp với lắp ráp chế tạo tại chỗ. Ông Gruzdev còn đề xuất hợp tác trong lĩnh vực y tế, mà vào thời điểm hiện nay là hợp tác liên quan đến vắc-xin Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga đồng thời ông đề cập đến hợp tác số về các hệ thống an toàn, vệ tinh và phân bón hóa học.
Trong khi đó, ông Alexey Kulapin, Tổng Giám đốc Cục Năng lượng Nga (REA) trực thuộc Bộ Năng lượng Nga đề xuất hợp tác trong lĩnh vực khí đốt vì Nga là nước khai thác và xuất khẩu khí đốt lớn trên thế giới, có nhiều kinh nghiệm trong khi nhu cầu tăng trưởng xanh không gây ô nhiễm môi trường, ngày càng lớn. Ông Kulapin cũng dự đoán thị trường khí đốt Đông Nam Á sẽ có tốc độ phát triển mạnh mẽ và 2 khối cần phải hợp tác trong bối cảnh thị trường năng lượng nhiều biến động.
Phát biểu trực tiếp tại diễn đàn, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Muhammad Lutfi khẳng định ASEAN là thị trường có tiềm năng rất lớn với 350 triệu dân và GDP đạt 3.300 tỷ USD đồng thời ASEAN muốn cùng với Nga đạt được những đột phá trong kinh doanh và thương mại.
Diễn đàn bao gồm hơn 130 cuộc thảo luận của các chuyên gia. Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ trực tiếp tham dự Diễn đàn và phát biểu tại phiên họp toàn thể ngày 04/6. Quốc vương Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani và Thủ tướng Áo Sebastian Kurz tham gia qua cầu truyền hình. SPIEF 2021 tổ chức các cuộc đối thoại giữa đại diện các cộng đồng doanh nghiệp của châu Phi, Bắc và Nam Mỹ, Đức, Italy, Phần Lan, Pháp, Thụy Điển, Nhật Bản với Nga. Qatar là quốc gia khách mời của SPIEF năm nay. Tại Diễn đàn, theo truyền thống sẽ công bố kết quả Xếp hạng quốc gia về môi trường đầu tư của các chủ thể Liên bang Nga. Các đại biểu thảo luận về việc khởi động chu kỳ đầu tư mới do Chính phủ Nga phát triển năm 2021 cùng các hiệp hội doanh nghiệp và chuyên gia. SPIEF ra đời năm 1997, từ năm 2006 đến nay diễn đàn này được Tổng thống Liên bang Nga bảo trợ và tham gia.
Duy Trinh (TTXVN/Vietnam+), nguồn: https://www.vietnamplus.vn/doi-thoai-eaeuasean-tai-dien-dan-kinh-te-quoc-te-st-petersburg/717592.vnp, ngày 04/6/2021 (HG trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>