Indonesia, Thái Lan và Malaysia cung cấp 67% lượng cao su thế giới. Bên cạnh cắt giảm xuất khẩu, các quốc gia cũng đồng ý tăng tiêu thụ cao su thiên nhiên nội địa thông qua các dự án cơ sở hạ tầng.
Theo tuyên bố của Tổng Thư ký ITRC, Hội đồng này lạc quan rằng các biện pháp thực hiện sẽ thúc đẩy sự hồi phục giá cao su và đảm bảo giá hợp lý và có lợi cho các hộ tiểu điền và các bên liên quan.
Quyền Tổng Giám đốc Thương vụ quốc tế của Bộ Thương mại, ông Karyanto Suprih, đã phát biểu trong cuộc họp báo ở Thủ đô Jakarta ngày 04/02/2016: “Việc giảm xuất khẩu sẽ khiến thị trường sử dụng lượng cao su dư thừa trên thế giới, từ đó ổn định giá”.
Thỏa thuận này là bước tiếp theo sau cuộc họp của ITRC vào tháng 12/2015 ở Jakarta khi ba nước nỗ lực duy trì cân bằng cung cầu cao su toàn cầu trong thời kỳ giá giảm và sản lượng sản xuất thấp.
Dựa vào số liệu từ các quốc gia, việc cắt giảm xuất khẩu được kỳ vọng sẽ là điểm tựa để tăng giá cao su toàn cầu.
Theo dữ liệu của Bloomberg, giá cao su giảm mạnh hơn 70% kể từ thời kỳ đỉnh điểm năm 2011.
Chủ tịch Hiệp hội Cao su Indonesia (Gapkindo) – ông Moenardji Soedargo – phát biểu bên lề sự kiện, các thành viên hiệp hội, đặc biệt là những nhà xuất khẩu, hoàn toàn hỗ trợ kế hoạch cắt giảm xuất khẩu vì họ hy vọng giải pháp tạm thời này có thể giúp giá cao su cải thiện. “Các nhà xuất khẩu sẽ rất trông chờ”, ông cho biết thêm và quả quyết rằng động thái kìm hãm này sẽ không ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất.
Indonesia, quốc gia sản xuất cao su lớn thứ 2 thế giới, sau Thái Lan và trước Việt Nam, đã sản xuất 3,2 triệu tấn cao su năm 2014, giảm từ mức 3,5 – 3,8 triệu tấn những năm trước đó.
Ông Moenardji cho biết, trong tổng sản lượng sản xuất năm 2014, 2,6 triệu tấn đã được xuất khẩu và 580.000 tấn được tiêu thụ nội địa.
Năm nay, Hiệp hội vẫn chưa thiết lập mục tiêu sản xuất do đang ước tính ảnh hưởng đối với cây cao su từ việc cháy rừng và mùa khô kéo dài, mặc dù sản lượng sản xuất được kỳ vọng sẽ thấp hơn năm trước.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Xuất khẩu sản phẩm nông lâm nghiệp Indonesia, bà Nurlaila Nur Muhammad, cho rằng Chính phủ nước này đã nỗ lực tạo ra nhiều nhu cầu cao su nội địa hơn bằng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
“Bộ Xuất khẩu, Bộ Công nghiệp, Bộ Công trình công cộng và nhà ở cùng với Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung sử dụng cao su trong xây dựng đường bộ và hàng rào bến cảng”. Ngoài ra, các Bộ cũng đang cân nhắc một số quy định bắt buộc trước đó. Bà hy vọng dự án sẽ được thực hiện bằng ngân sách quốc gia năm 2017.
Ngoài ra, ông Moenardji – Chủ tịch Gapkindo – cho biết thêm, những dự án của Chính phủ Indonesia sẽ giúp tiêu thụ khoảng 100.000 tấn cao su của quốc gia này.