Tin tức

Hưởng lợi từ giá tăng cao, lợi nhuận doanh nghiệp ngành cao su vẫn phân hóa rõ rệt

01/11/2021

Nhìn chung, lợi nhuận quý 3 của hầu hết các doanh nghiệp ngành cao su trên sàn đều tăng so với cùng kỳ do hưởng lợi từ việc giá cao su tăng. Tuy nhiên cũng có doanh nghiệp lợi nhuận sụt giảm mạnh, bất ngờ báo lỗ sau nhiều năm.


Doanh nghiệp trồng cao su hưởng lợi từ giá bán tăng cao

Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), lũy kế 9 tháng năm 2021, xuất khẩu cao su ước đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 2,17 tỷ USD. Riêng kim ngạch xuất khẩu cao su đã tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý III/2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, sản lượng bán hàng suy giảm nhưng giá bán mủ vẫn neo ở mức cao giúp các doanh nghiệp trồng trọt cao su ghi nhận biên lợi nhuận cải thiện, lợi nhuận tăng trưởng mạnh.
Quý III/2021, Công ty CPCao su Bà Rịa (UPCoM: BRR) ghi nhận doanh thu 94 tỷ đồng, giảm 21%. Giá vốn giảm 55% giúp lợi nhuận gộp gấp 3 lần lên 48 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 13,5% lên 51%. Sản lượng tiêu thụ trong quý đạt 2.102 tấn, giảm 44,6% so với cùng kỳ năm trước. Các chi phí chiếm tỷ trọng không quá lớn nên lợi nhuận sau thuế đạt 33,6 tỷ đồng, gấp 3 lần quý III/2020.
Giá cao su tăng cao đã tác động mạnh tới lợi nhuận
nhiều DN trong ngành từ đầu năm đến nay
Báo cáo tài chính quý III/2021 của Công ty CP Cao su Thống Nhất (HOSE: TNC) cho thấy, doanh thu thuần trong quý đạt 12,1 tỷ đồng, tăng 37,5% so với quý III năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp của TNC chỉ tăng 26%, lên hơn 1 tỷ đồng. Trong kỳ, TNC ghi nhận doanh thu tài chính tăng đột biến gần 3,7 lần lên hơn 12,1 tỷ đồng chủ yếu là do khoản chia cổ tức từ Công ty CP Dịch vụ Xuất Nhập khẩu Nông Lâm sản và Phân bón Bà Rịa. Đây cũng là lý do khiến lợi nhuận trước thuế của công ty tăng vọt lên 11,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ là hơn 2,8 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ thuế, lợi nhuận quý III/2021 đạt 11,2 tỷ đồng gấp 4,7 lần quý III/2020.
Công ty CP Cao su Đắk Lắk (Dakruco, UPCoM: DRG) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý III/2021 tích cực với doanh thu 384 tỷ đồng, tăng 47%; lãi sau thuế 31 tỷ đồng, gấp 3 lần quý III/2020. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 6,3% lên 21,7%. Đơn vị lý giải, giá bán mủ cao su của công ty con tại Lào (DRI) tăng 42% lên 1.758 USD/tấn. Trong khi, công ty con tại Campuchia (Dakmoruco) cũng tăng sản lượng 25,4% và giá bán 29% so với cùng kỳ năm trước (từ 4 triệu riel/tấn lên 5,18 triệu riel/tấn).
Tương tự, Công ty CP Cao su Tân Biên (UPCoM: RTB) ghi nhận doanh thu 265 tỷ đồng, tăng 16%. Giá vốn giảm 32% nên lợi nhuận gộp gấp 4 lần đạt 132 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 14,3% lên 49,8%. Công ty cho biết giá vốn giảm nhờ sản lượng khai thác tăng làm giá thành giảm. Cùng với đó, lợi nhuận hoạt động khác đạt 70 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước nhờ lợi nhuận từ thanh lý cây cao su tăng. Các yếu tố trên đã giúp lợi nhuận sau thuế Cao su Tân Biên gấp 3,5 lần lên 159 tỷ đồng.
Nhiều yếu tố cản bước tăng trưởng
Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp trong ngành cao su lại có tình hình kinh doanh không mấy khả quan trong quý vừa qua. Công ty CP Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) vừa công bố BCTC quý III/2021 với doanh thu thuần giảm 12,76% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 211 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp chỉ còn 43 tỷ đồng, giảm 17%. Giải thích nguyên nhân doanh thu giảm mạnh, Cao su Sao Vàng cho rằng, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, các chi phí tăng mạnh. Cụ thể, chi phí tài chính tăng 52%, chủ yếu đến từ chi phí lãi vay; chi phí bán hàng cũng tăng 35% do chi phí vận chuyển tăng. Điểm sáng trong kỳ là, khoản doanh thu tài chính tăng gấp 3 lần đạt 4,8 tỷ đồng từ lãi cho vay và chênh lệch tỷ giá. Sau khi trừ các chi phí, SRC báo lãi sau thuế quý III còn gần 11 tỷ đồng, giảm 47% so cùng kỳ.
Cũng gặp nhiều khó khăn, tình hình kinh doanh của Công ty CP Cao su Đồng Phú (HOSE: DPR) cũng không mấy khả quan. BCTC hợp nhất quý III/2021 của DPR cho thấy, doanh thu thuần giảm 9,34% còn 303 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán giảm tương ứng nên lợi nhuận gộp quý III cũng giảm 9,9% xuống còn 95 tỷ đồng. Công ty cho biết, sản lượng tiêu thụ quý III/2021 thấp hơn nhưng giá bán bình quân lại tăng gần 29% so với quý III/2020. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh quý III/2021 giảm sút chủ yếu là do cây cao su thanh lý giảm. Trong kỳ, doanh thu tài chính cũng giảm 18% xuống 11,1 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính giảm mạnh 63%. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý lần lượt giảm 33% và 27%. Tuy nhiên lợi nhuận thuần của DPR giảm hơn 7 tỷ đồng (7,8%) xuống còn gần 84 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí khác tăng mạnh gấp 5 lần lên hơn 8,6 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế quý III đạt 76 tỷ đồng, giảm 3,13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 68,7 tỷ đồng.
Công ty CP Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR) cũng là một trong số cái tên có gam màu xám trong bức tranh lợi nhuận của ngành cao su. BCTC quý III/2021 của PHR cho thấy, doanh thu đạt 521 tỷ đồng, tăng 33%, lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh gấp 2,3 lần cùng kỳ lên 201 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận khác giảm mạnh từ 119 tỷ đồng về 3,5 tỷ đồng do tiền thu từ thanh lý cao su giảm và quý III/2020 ghi nhận 100 tỷ đồng tiền đền bù hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất thực hiện dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2. Hụt thu lợi nhuận khác nên PHR báo lãi sau thuế quý III/2021 giảm 12% so với cùng kỳ, còn 145 tỷ đồng. Do kết quả kinh doanh bán niên cũng kém kém khả quan, PHR chỉ lãi ròng hơn 305 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm, giảm 56% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam (HOSE: CSM) lần đầu báo lỗ từ khi niêm yết khi doanh thu quý III/2021 chỉ đạt đạt 1.033,6 tỷ đồng, giảm 21,22% so với cùng kỳ. Trong kỳ giá vốn chiếm 92% doanh thu (cùng kỳ năm ngoái giá vốn chỉ chiếm 80%) do chi phí nguyên vật liệu đầu vào và chi phí nhập khẩu vật tư tăng cao làm tăng giá thành sản xuất. Việc thực hiện sản xuất 3 tại chỗ trong thời điểm dịch bệnh cũng khiến giá vốn hàng bán tăng. Do đó công ty chỉ ghi nhận lãi gộp 64 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ. Đặc biệt, doanh thu tài chính tăng 5,8 tỷ đồng lên hơn 6,1 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ 321 triệu đồng do phát sinh lãi tiền gửi và thu lãi từ khách hàng. Các chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý đều được tiết giảm nhưng cuối kỳ lợi nhuận sau thuế của CSM vẫn âm 28,4 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 28,6 tỷ đồng. CSM cho biết dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến việc bán hàng gặp nhiều khó khăn, việc lưu thông hàng hóa giảm mạnh.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>