Tin tức

Hiệu quả từ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Bà Rịa – Vũng Tàu

28/11/2022

Với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dành hàng ngàn ha đất để kêu gọi người dân, doanh nghiệp đầu tư. Đến nay, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả rõ rệt. 


Tăng thu nhập – rủi ro thấp

Cách đây ba năm, hơn 221 ha cây cao su ở xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu của Công ty Cao su Thống Nhất bắt đầu cho năng suất kém, hiệu quả thấp. Được sự đồng thuận từ lãnh đạo, cán bộ, tập thể người lao động… doanh nghiệp quyết định chuyển toàn bộ diện tích cao su sang trồng chuối già Nam Mỹ ứng dụng công nghệ cao. Là địa bàn có thổ nhưỡng phù hợp cho việc canh tác chuối nên doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng hệ thống khép kín từ khâu trồng, hệ thống tưới, thu hoạch, bảo quản… Đến nay, toàn bộ quy trình sản xuất đã được người lao động làm chủ.
Theo ông Phạm Văn Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao su Thống Nhất, mỗi năm doanh nghiệp xuất khẩu hơn 3.300 tấn chuối sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Với giá 10 ngàn đồng/kg, thu lãi 80 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với canh tác cao su. Dự kiến, giai đoạn 2023 – 2024, công ty sẽ mở rộng đầu tư thêm 30 ha trồng chuối và 200 ha sầu riêng trồng theo hướng công nghệ cao. Ông Phạm Văn Thành cho biết: “Trong quá trình sản xuất chúng tôi chủ động rải vụ nên lúc nào cũng có sản phẩm chuối. Về cơ bản chúng tôi đang có lãi, đến giờ này 1ha cao su tính ra lãi chưa đến 2 triệu đồng, nhưng 1 ha chuối lãi nhiều hơn cao su, chúng tôi khẳng định trồng chuối hiệu quả rất cao”.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Quyết Thắng, thuộc phường Long Hương, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là đơn vị tiên phong trong đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm xuất khẩu. Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng cho biết, mô hình nuôi tôm theo công nghệ lọc nước tuần hoàn, khép kín được HTX thực hiện từ năm 2016. Mô hình nuôi này làm tỷ lệ tôm giống hao hụt thấp, tôm khỏe mạnh, lớn nhanh, tỷ lệ thắng vụ được nâng lên đáng kể. Hiện HTX đã có 3 khu nuôi với diện tích hơn 5.000 m2 bể nuôi trong nhà màng, mỗi năm nuôi ba vụ, năng suất từ 40 – 50 tấn/vụ. Ông Nguyễn Kim Chuyên nói: “Trong nuôi tôm truyền thống người nuôi không quản lý, kiểm soát được môi trường, dẫn đến tình trạng người nuôi lúc nào cũng lo âu. Đứng trước tình hình đó HTX chúng tôi đã chọn mô hình nuôi tôm công nghệ cao hệ thống tuần hoàn, khép kín. Tuy quy mô diện tích nhỏ nhưng cho ra năng suất, sản lượng và doanh thu cao, sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu”.
Tập trung nâng giá trị
Là một trong những địa phương của tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, huyện Châu Đức có 21 tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích hơn 618 ha. Trong đó, có 412 ha đã triển khai hoạt động sản xuất, 223 ha đã cho sản phẩm với tổng sản lượng khoảng 8.560 tấn; giá trị đạt khoảng 132 tỷ đồng.
Thời gian tới tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ có nhiều mô hình
cây ăn trái áp dụng công nghệ cao (Ảnh: Gia Khang)
Ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm hơn 40% trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương. Trong thời gian tới, huyện Châu Đức sẽ dành quỹ đất để quy hoạch phân khu chức năng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ông Nguyễn Tấn Bản cho hay: “Thời gian tới, huyện sẽ tập trung sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng liên kết chuỗi giá trị, hướng mạnh về xuất khẩu để tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích. Giúp cho nông dân có lợi nhuận trên đất nông nghiệp của huyện Châu Đức trong tương lai”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đề án 04 của Tỉnh uỷ Bà Rịa – Vũng Tàu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020 – 2025 bước đầu đã thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đến nay giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bình quân đạt gần 110 triệu đồng/ha, tăng 13,8 triệu đồng so năm 2015. Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hướng người nông dân, doanh nghiệp tập trung vào nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất: “Việc nâng cao giá trị sẽ góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp. Do đó các hoạt động sản xuất nông nghiệp cần hướng đến nâng cao giá trị, phải áp dụng tất cả kỹ thuật trong canh tác, trong tổ chức thu hoạch và kể cả trong chế biến”.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đặt mục tiêu: Đến năm 2025 sẽ tăng giá trị sản xuất và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp gấp 1,5 lần so với năm 2020; Đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; Thu hồi 100% diện tích đất quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao để triển khai thực hiện các dự án. Đồng thời hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh từ nguồn vốn xã hội hóa.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>