Tin tức

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nói cây cao su thải khí CO2, chuyên gia lên tiếng

09/11/2020

Mới đây, tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội Quốc hội, nữ đại biểu tỉnh Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp cho rằng: “Rừng là nơi hấp thụ CO2 để thải ra O2, nhưng cây cao su là loại cây hút O2 và thải ra CO2, không có một con gì sống được ở trong rừng đó”. Phát biểu này sau đó đã gây những tranh luận, ý kiến khác nhau về việc ảnh hưởng của cây cao su đến môi trường và con người. Các chuyên gia trong ngành đã có những phân tích chi tiết.


Theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Nghĩa, Viện phó Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, ban ngày cây cao su quang hợp giống như các cây khác, hút CO2, nhả O2, chuyển sang dạng hút O2 và nhả CO2 vào ban đêm. Về ý kiến cho rằng cây cao su độc hại, TS. Nghĩa cho hay điều này có thành kiến từ xưa. Công nhân đi làm cao su bị bệnh truyền nhiễm, sốt rét nhiều nên thành kiến rừng cao su độc hại cũng sinh ra từ đó. Phân tích về nhận định không có con gì sống dưới rừng cao su được, TS. Nghĩa cho rằng, cây cao su có mủ, độc hại đối với nhiều côn trùng và cả loài ăn thực vật. Nhiều loài côn trùng nếu ăn phải lá cao su, hoặc đục thân thì một thời gian sẽ chết nên nói không có con gì sống được là như vậy. Một nguyên nhân khác là trong rừng cao su không có nhiều thức ăn như côn trùng, trái cây… nên chim chóc và các loài động vật khác không thể sống được ở rừng cao su.

Theo Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong rừng trồng cây cao su, trang trại cây cao su hay các loài cây công nghiệp khác ít có sinh vật sinh sống chủ yếu do mật độ cây trồng cao, người trồng cây công nghiệp lại phải thâm canh, chăm bón nhiều, dẫn đến trường hợp không còn chỗ cho cây cỏ. Từ đó, các loài chim thú cũng không có đủ điều kiện để trú ngụ và sinh sống. Hiện nay, tại các khu vực trồng nhiều cây cao su ở tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Bình Dương, đa số người dân cho rằng họ vẫn sinh hoạt bình thường trong khu vực trồng rừng cao su, thậm chí còn xây nhà, dựng lán trại ở dưới tán cây nhiều năm nay mà không gặp bất cứ sự cố nào về sức khỏe.
Người dân xây nhà ở ngay dưới vườn cao su ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước
Nhận định về phát biểu tranh cãi Đại biểu Ksor Phước Hà về cây cao su, ông Hoài cho rằng lời phát biểu xuất phát từ cảm xúc, nhận định cá nhân nhằm lên án một thực tế tại Gia Lai - vùng đất Tây Nguyên quê hương của bà - có khá nhiều diện tích rừng tự nhiên, chủ yếu là nghèo kiệt, đã bị chuyển đổi thành trang trại cao su. Thậm chí, không loại trừ tình trạng những diện tích rừng tự nhiên còn tương đối tốt đã bị lạm dụng chặt phá để trồng cao su. Tuy nhiên, có một thực tế cần nhấn mạnh rằng, mất rừng tự nhiên ở Việt Nam diễn ra từ sau năm 1975. Từ nhiều năm nay, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia tuyệt đối ngừng khai thác rừng tự nhiên.
Ông Hoài còn cho biết: “Từ những năm 90 của thế kỷ trước đã có sự tranh luận rất gay gắt, rằng liệu có nên coi cây cao su là cây rừng hay không. Cây cao su vốn là cây rừng, có xuất xứ từ các khu rừng rậm Amazon của Nam Mỹ, được người Pháp nhập nội vào nước ta từ đầu thế kỷ XX. Cao su được gây trồng theo hình thức trang trại ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, gần đây mở rộng phát triển ở các vùng như Tây Bắc, Bắc và Nam Trung Bộ. Cây cao su có chu kỳ trồng khoảng 25 năm, gỗ có đường kính 25 – 35 cm, cây cao trên dưới 10 m. Ở những nơi đất trống, đồi trọc, dù chúng ta có tính hay không tính đến thì cây cao su khi trồng với mật độ dày vẫn tạo ra tàn che. Xét những vùng đất trồng cây keo và bạch đàn thuần loại, chỉ quay vòng trồng – chặt trong 5 – 6, thậm chí 4 – 5 năm vẫn được tính vào diễn tích rừng. So sánh với cây cao su với chu kỳ trồng – chặt đến 25 năm, tại sao không được tính vào tỷ lệ tàn che? Các nước xung quanh như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ còn trồng nhiều cao su hơn Việt Nam, không thấy họ lên án cây cao su. Điều chúng ta cần kịch liệt lên án ở đây là lạm dụng chủ trương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo để chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cây công nghiệp”.
Theo ông Hoài, Việt Nam có gần 1 triệu ha trang trại cao su. Đối với nhiều vùng miền, cao su tiểu điền vẫn là cứu cánh, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều cư dân nông thôn. Mấy năm trước, giá sản phẩm mủ cao su xuống thấp, thu nhập chính của ngành cao su sa sút. Bù lại, nhu cầu gỗ cao su khá ổn định, người dân có nguồn thu khi chặt cây cao su để tái canh. Ông đề cập đến tầm quan trọng đặc biệt của gỗ cao su trong công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam. Sau rừng trồng keo, rừng trồng cao su là nguồn cung cấp gỗ quan trọng nhất của Việt Nam. Hiện nay, trang trại cao su mỗi năm cung cấp khoảng 3 – 4 triệu m3 gỗ. Gỗ cao su chủ yếu được làm đồ mộc, xuất khẩu đi 2 thị trường chính là Mỹ và Nhật Bản. Nhiều diện tích trang trại cao su đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC và PEFC). Nếu không có rừng cao su, chắc chắn Việt Nam không thể xuất khẩu mỗi năm trên 10 tỷ USD sản phẩm gỗ. Ông Hoài nhấn mạnh “Hãy nhìn rừng cao su, trang trại cao su – đang chủ yếu được nông dân phát triển ở quy mô tiểu điền – một cách công bằng và tỉnh táo hơn. Dù là ĐBQH hay dân thường, nói chưa đúng, nói sai thì phải cải chính, phải xin lỗi. ĐBQH lại càng phải cầu thị, phải ứng xử chuẩn mực”.

Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (TH tổng hợp), nguồn: https://baomoi.com/https://vietnamnet.vn/, ngày 08/11/2020



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>