Tin tức

Đa dạng mô hình xen canh

13/02/2017

 Năm 2016 trên địa bàn các đơn vị Tây Nguyên, nhiều mô hình trồng xen được ra đời, trong đó nổi bật có trồng khoai lang Nhật diễn ra khá sôi nổi ở nhiều nông trường tại các Công ty Chư Păh, Ea H’leo, Krông Buk, trồng xen cà phê, tiêu và cỏ tại Công ty Chư Sê hay trồng keo lai tại Công ty Mang Yang.


 

Trồng khoai lang tại Nông trường Ia Phú – Công ty Chư Păh
Nở rộ phong trào trồng xen khoai lang Nhật
Công tác trồng xen canh trong cao su tái canh phát triển mạnh nhất tại Công ty Chư Sê khi diện tích tái canh đến đâu thì lượng người đăng ký thuê đất để trồng xen canh đến đó. Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, ông Đặng Đức Tri, Công ty đã đặt ra quy chế quản lý đối tượng xen canh trên vườn cây cơ bản là cán bộ công nhân viên trong Công ty, ngoài ra còn có các tổ chức, cá nhân ở trong vùng. Loại cây trồng xen nhiều nhất là các loại cây lâu năm như cà phê, tiêu. Cùng với đó là các loại cây hoa màu ngắn ngày như cỏ cho bò, cây bắp, mè và nhất là khoai lang Nhật với diện tích xấp xỉ 200 ha.
Ông Nguyễn Trọng Bằng, cán bộ Nông trường (NT) Ia Glai – Công ty Chư Sê, cho hay: “Lúc đầu, trồng khoai lang Nhật là một mô hình mới, công nhân (CN) và nhân dân trên địa bàn chưa có kinh nghiệm, do vậy chưa dám mạnh dạn trồng số lượng lớn, nhưng sau một thời gian theo dõi và học hỏi nên nhiều CN đã bắt đầu mạnh dạn đầu tư, bản thân tôi cùng với một số anh em đã quyết định trồng khoảng 20 ha. Nếu được mùa, mỗi ha có thể cho lãi từ 50 – 60 triệu đồng”. Không chỉ tại Công ty Chư Sê, người lao động tại Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo cũng đang nở rộ trồng khoai lang Nhật trong cao su tái canh. Điển hình có vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Tưởng và chị Lê Thị Liên ở Đội sản xuất Dliê Yang đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để trồng 21 ha khoai lang Nhật.
Chị Liên cho biết: “Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên không dám trồng nhiều, sau thấy dễ trồng và cho lãi cao nên chúng tôi quyết định đầu tư, đến thời điểm này chúng tôi thu hoạch cơ bản là xong, mỗi ha cũng được từ 8 – 12 tấn củ, với giá bán 12.000 đồng/kg thì chúng tôi cũng lãi được vài trăm triệu đồng”. Công ty Chư Păh cũng là đơn vị có diện tích trồng khoai lang nhiều nhất với khoảng 230 ha, tập trung chủ yếu tại NT Ia Phú.
Cao su xen canh phát triển tốt
Một trong những mô hình mới, ít người làm được đánh giá cao là trồng keo lai tại Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang. Công ty chỉ mới triển khai khoảng 200 ha tại NT Hòa Bình. Do đó năm 2017 Công ty Mang Yang tiếp tục đề xuất Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho phép trồng keo lai trên diện tích tái canh theo dự kiến, mặt khác cũng khó trồng các loại cây khác trên vùng đất này do nguồn nước khan hiếm. Các công ty còn lại trên địa bàn Tây Nguyên khi tái canh cũng đều có chủ trương cho người lao động trồng xen.
Thu hoạch lúa tại Công ty Chư Prông
Xen canh góp phần giảm giá thành
Thực hiện chủ trương trồng xen của VRG, các đơn vị đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí, qua đó đáp ứng được yêu cầu hạ giá thành, giảm suất đầu tư nhưng vẫn đảm bảo đời sống cho người lao động. Chính điều này đã góp phần quan trọng làm cho giá thành của các đơn vị Tây Nguyên thấp hơn một số đơn vị khác.
Như Công ty Kon Tum dành trọn quỹ đất tái canh để khuyến khích người lao động trồng xen các loại cây ngắn ngày và chăm sóc vườn cây cao su tốt hơn. Theo ghi nhận, những diện tích cao su được trồng xen canh phát triển tốt, do cây hoa màu và cây dài ngày trồng xen đều được tưới nước và bón phân thường xuyên, cây cao su sinh trưởng rất nhanh và đều. Ngoài ra, việc làm cỏ cũng được những người xen canh chú trọng nên tốt cho cao su.
Gia Linh, nguồn: http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-nganh/da-dang-mo-hinh-xen-canh.html, ngày 08/02/2017 (CN trích dẫn) 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>