Tin tức

CPTPP: Cam kết về Quy tắc xuất xứ đối với gỗ và sản phẩm gỗ

05/10/2020

Để được hưởng ưu đãi thuế quan CPTPP, gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước CPTPP phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ của Hiệp định.


Cam kết về quy tắc xuất xứ (QTXX) trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với gỗ và các sản phẩm gỗ được quy định tại: Lời văn Chương ba – Quy tắc xuất xứ (các qui tắc chung) và các thủ tục chứng nhận xuất xứ. Phụ lục Chương ba – Quy tắc xuất xứ cụ thể từng mặt hàng.

Quy tắc xuất xứ
Mục đích của quy tắc xuất xứ là để đảm bảo hàng hóa phải được sản xuất chủ yếu trong khu vực CPTPP thì mới được hưởng ưu đãi thuế quan của Hiệp định.
Đối với riêng ngành gỗ, bảo đảm tuân thủ QTXX được cho là thách thức tương đối với các doanh nghiệp gỗ muốn tận dụng ưu đãi thuế quan của CPTPP bởi: Hiện Việt Nam mới chỉ bảo đảm được khoảng 70% nguyên liệu gỗ khai thác trong nước, còn lại là gỗ nhập khẩu từ nhiều nguồn ngoài các nước CPTPP. Nếu chỉ xét hàng xuất khẩu thì tỷ lệ sử dụng gỗ nguyên liệu nhập khẩu có thể còn cao hơn (do nhiều trường hợp gỗ trong nước không đáp ứng yêu cầu chất lượng của khách hàng nước ngoài).
Ngoài ra, không ít các nguyên liệu sử dụng trong sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu (đinh, keo, sơn phủ …) đang được nhập khẩu.
CPTPP có cam kết về QTXX sản phẩm theo mã HS của sản phẩm đó. Do đó để biết QTXX áp dụng đối với từng sản phẩm gỗ và các sản phẩm gỗ cụ thể, cần tra cứu cam kết CPTPP về QTXX cụ thể đối với mã HS đó. Về cơ bản, đối với gỗ và các sản phẩm gỗ, QTXX trong CPTPP bao gồm 2 loại sau:
-      Đối với gỗ và các sản phẩm gỗ thuộc Chương 44: Quy tắc CTC chuyển đổi Nhóm (chuyển đổi mã HS (CTC) ở cấp 4 số (Nhóm), theo đó, mã HS cấp 4 số của thành phẩm phải khác mã HS của nguyên liệu không có xuất xứ CPTPP)
-      Đối với các sản phẩm đồ nội thất từ gỗ thuộc Chương 94: Kết hợp quy tắc CTC chuyển đổi Nhóm và quy tắc RVC tối thiểu (hàng hóa phải đạt một ngưỡng tỷ lệ tối thiểu giá trị nguyên liệu có xuất xứ CPTPP).
Ảnh minh họa. (Nguồn: freepik)
Về thủ tục chứng nhận xuất xứ
Cam kết chung của CPTPP về thủ tục chứng nhận xuất xứ là tự chứng nhận xuất xứ (nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu tự phát hành giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa nhập khẩu liên quan). Tuy nhiên CPTPP chấp nhận một số ngoại lệ và bảo lưu đối với thủ tục tự chứng nhận xuất xứ này. Cụ thể, đối với hàng hóa CPTPP nhập khẩu vào Việt Nam, thủ tục chứng nhận xuất xứ sẽ như sau:
Trong 5 năm đầu kể từ khi CPTPP có hiệu lực với Việt Nam
Các chủ thể kinh doanh có thể lựa chọn chứng nhận xuất xứ theo một trong 2 cơ chế gồm Cơ chế chứng nhận xuất xứ truyền thống (cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp giấy chứng nhận xuất xứ); Cơ chế nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ.
Sau khi hết thời hạn 5 năm, Việt Nam vẫn có thể duy trì mô hình song song 2 cơ chế chứng nhận xuất xứ này thêm tối đa 5 năm nữa (trước khi hết hạn 5 năm đầu ít nhất 60 ngày, Việt Nam thông báo với các đối tác CPTPP về việc gia hạn).
Từ năm thứ 5 kể từ khi CPTPP có hiệu lực với Việt Nam trở đi
Trừ khi có gia hạn như ở trên, kể từ thời điểm 5 năm sau khi CPTPP có hiệu lực với Việt Nam, Việt Nam sẽ chỉ áp dụng thủ tục tự chứng nhận xuất xứ. Cụ thể, các chủ thể kinh doanh có thể lựa chọn tự chứng nhận xuất xứ theo 1 trong 3 cơ chế là Nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ; Nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ; Nhà sản xuất tự chứng nhận xuất xứ.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>