Tin tức

Công nghiệp hỗ trợ vùng Đông Nam bộ: Còn nhiều dư địa phát triển

28/12/2020
Thời gian qua, nhiều địa phương thuộc vùng Đông Nam bộ đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), góp phần gia tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm công nghiệp, giúp các doanh nghiệp (DN) có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 


DN nhanh nhạy vượt khó

Theo ông Hoàng Ngọc Yến Thành viên HĐQT Công ty CP Cao su Thái Dương, trong tình hình chung bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng sản phẩm CNHT phục vụ nhu cầu thiết yếu đã giúp các nhà máy của Công ty duy trì hoạt động khá ổn định, bảo đảm việc làm và thu nhập cho hơn 300 công nhân. Trong những tháng cuối năm 2020, các nhà máy sản xuất của Công ty nằm trong Khu công nghiệp (KCN) Tân Tạo và KCN Tân Phú Trung (TP. Hồ Chí Minh) đang hoạt động hết công suất để cung cấp các loại sản phẩm cao su kỹ thuật phục vụ cho các ngành cấp thoát nước, dầu khí, các thiết bị trong khai thác mỏ, sản phẩm ô tô, sản phẩm công cụ trong sân bay... đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Tại Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, ông Đỗ Phước Tống Chủ tịch Hội đồng thành viên cho biết, với đội ngũ kỹ sư giỏi, công nhân lành nghề cùng thiết bị, máy móc hiện đại, điều khiển bằng chương trình số, sản phẩm của Công ty đã đáp ứng tốt yêu cầu và tham gia vào chuỗi cung ứng các các sản phẩm CNHT cho các tập đoàn nước ngoài. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Duy Khanh đầu tư thêm nhà máy tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) với dây chuyền công nghệ sản xuất linh kiện phụ tùng máy từ bột kim loại. Hiện ở Việt Nam, Duy Khanh là DN đi đầu ứng dụng công nghệ này, qua đó giúp đơn vị phát triển hơn nữa các sản phẩm khuôn mẫu kỹ thuật cao và dòng sản phẩm từ bột kim loại thiêu kết…
Các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ kết nối phát triển
sản xuất công nghiệp hỗ trợ
Theo Sở Công Thương Đồng Nai, trong những năm gần đây, tỉnh này đã kiên trì thực hiện thu hút đầu tư FDI có chọn lọc. Trong tổng số nguồn vốn đầu tư vào Đồng Nai có khoảng gần 50% thuộc lĩnh vực CNHT. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 700 DN sản xuất lĩnh vực CNHT; trong đó, hơn 500 DN FDI, còn lại là DN trong nước. Đồng Nai được xem là nơi cung ứng sản phẩm CNHT lớn của cả nước. Hầu hết các tập đoàn lớn của thế giới về lĩnh vực CNHT đã có mặt tại tỉnh Đồng Nai. Đến nay, CNHT đã thu hút 20% số lao động, đóng góp hơn 21% trong cơ cấu giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và 52% cơ cấu xuất khẩu ngành công nghiệp của Đồng Nai.
Đánh giá của Sở Công Thương Bình Dương cũng cho thấy, trên địa bàn hiện có gần 2.300 DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành CNHT. Nếu tận dụng tốt cơ hội cung ứng linh kiện, sản phẩm cho các DN này thì thị trường rất tiềm năng và mang lại nhiều cơ hội phát triển cho các DN.
Tận dụng tốt cơ hội liên kết phát triển
Theo PGS. TS Nguyễn Anh Thi – Trưởng Ban quản lý SHTP, do tác động của đại dịch Covid-19, một số DN FDI đa quốc gia đang bị gián đoạn nguyên liệu cũng như các sản phẩm CNHT nhập khẩu nên đã tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước để thay thế. Đây được xem là cơ hội tốt để các DN ngành CNHT trong nước bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài. Tuy nhiên, các DN Việt Nam cần đầu tư dây chuyền, ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ cho các DN FDI.
Để tạo điều kiện, hỗ trợ DN ngành CNHT trong nước nâng cao năng lực sản xuất và khả năng tham gia vào mạng lưới cung ứng sản xuất toàn cầu cho các DN FDI, mới đây, SHTP đã ký kết thỏa thuận phối hợp liên kết vùng, triển khai chương trình CNHT với các Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu. Các đơn vị cùng nhau xây dựng hệ sinh thái DN CNHT có tính liên kết mạnh, phát huy các nguồn lực và tiềm năng của DN trong nước để thúc đẩy sự hợp tác kinh doanh tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm CNHT của các tập đoàn nước ngoài đang hoạt động đầu tư tại vùng Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Các tỉnh, thành phố sẽ cùng hỗ trợ cung cấp thông tin về hoạt động các DN giữa SHTP với các KCN, khu kinh tế. Hỗ trợ cộng đồng DN Việt Nam tại SHTP và các KCN tìm kiếm nhu cầu hợp tác với các DN FDI, nhất là các tập đoàn công nghệ quốc tế. Cùng với đó, trao đổi thông tin và chia sẻ các kế hoạch hoạt động định hướng hằng năm về phát triển CNHT giữa SHTP với các khu chế xuất, KCN các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Ngoài liên kết, bản thân các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể phát triển ngành CNHT. Tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch phát triển CNHT trên địa bàn giai đoạn 2020 – 2025. Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2025, giá trị sản phẩm của CNHT chiếm khoảng 25% giá trị công nghiệp trên địa bàn và hoàn thiện cơ sở thông tin dữ liệu DN ngành CNHT. Trong giai đoạn này, Đồng Nai cũng thành lập các cụm công nghiệp chuyên ngành CNHT tại các huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ DN ngành CNHT bằng cách mở rộng thị trường, kết nối cung – cầu sản phẩm; áp dụng hệ thống quản lý các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực CNHT.
TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ tiếp tục duy trì chính sách kích cầu đầu tư phát triển CNHT và trong năm 2021 sẽ có những đổi mới để chính sách này tạo điều kiện cho DN mở rộng đầu tư, tiếp cận tham gia những chuỗi cung ứng toàn cầu. Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung – cầu ngành CNHT. Từ đầu năm đến nay, đã kết nối, hỗ trợ khoảng 60 DN ngành CNHT trong nước tại TP. Hồ Chí Minh và các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu... sản xuất sản phẩm CNHT cung ứng cho các DN FDI.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>