Tin tức

Chuyển đổi số là “vẽ lại DNA” của các thủ lĩnh trong tổ chức

25/07/2022

Thực tế chuyển đổi số trong doanh nghiệp ngành gỗ có nhiều tích cực khi Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đứng thứ 5 thế giới, đã đem về trên 14 tỷ USD trong năm 2021. 


 

Câu chuyện số hoá hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp Việt đang “nóng lên” khi Chính phủ đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính: Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. (theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng).
Ngành gỗ tăng tốc chuyển đổi số
Ngành gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang đứng thứ 2 về xuất khẩu gỗ nội thất trên thế giới và nằm trong Top những ngành có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD của Việt Nam.
Để làm được điều này, chuyển đổi số cần diễn ra mạnh mẽ và đồng bộ hơn. Kênh truyền thống (Offline) cần phải thay đổi, nhằm giảm rủi ro trong hội nhập và phù hợp với xu thế thương mại thế giới (Online), cũng như ứng dụng công nghệ để chuyển lượng sản phẩm gia công sản xuất, xuất khẩu theo đơn đặt hàng từ các nhãn hàng quốc tế (OEM) thành sản phẩm riêng (ODM) để nâng sức cạnh tranh, tạo lợi nhuận cao. Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM (HAWA), cần thúc đẩy thay đổi tư duy, sự thích nghi để tạo ra làn sóng chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hình thành và đẩy mạnh các liên kết giữa các đơn vị, xây dựng chuỗi cung ứng trong nước cũng như phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.
AA Corporation là tập đoàn chuyên về lĩnh vực thi công nội thất và sản xuất đồ nội thất hàng đầu Việt Nam, với khoảng 3.000 công nhân viên. Tập đoàn có 10 công ty đang hoạt động ở 7 quốc gia là Myanmar, Campuchia, Bhutan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore và Việt Nam; xuất khẩu sản phẩm nội thất ra 40 quốc gia trên khắp thế giới. Trong đó, có 6 công ty chuyên thi công lắp đặt nội thất cho các khách sạn khắp châu Á và thế giới, 80% đến 90% khách hàng là các nhà đầu tư của các khách sạn 4 đến 5 sao. Theo ông Trần Quang Thuận, Tổng giám đốc AA Tây Ninh, hiện khu sản xuất gỗ của AA Corporation tại chi nhánh Tây Ninh có diện tích gần 50 ha, vốn đầu tư cho giai đoạn 1 là 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi nhánh AA Tây Ninh mới chỉ hoạt động hơn 60% công suất thiết kế do nhiều nguyên nhân, trong đó, số lượng công nhân đang hoạt động là 2.000 người, chỉ bằng một nửa so với nhu cầu của công ty. Trong tình thế đó cùng với xu hướng số hoá hoạt động, ngoài việc đầu tư máy móc hiện đại, AA Tây Ninh nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để tăng năng suất, đa dạng mẫu mã, gia tăng tính cạnh tranh trên trường quốc tế. Điều này cũng giúp giảm nhân công khi cạnh tranh nhân lực đang khốc liệt sau dịch COVID-19 và Việt Nam đang là điểm đến thu hút FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài).
Thách thức trong chuyển đổi số
Nhiều doanh nghiệp trong nước đang loay hoay trước “làn sóng” chuyển đổi số và không biết nên ứng dụng công nghệ thông tin như thế nào cho phù hợp với mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như chi phí hợp lý và vận hành hiệu quả. Vì để “số hoá” thì chi phí cho ứng dụng công nghệ thông tin cũng khiến nhiều doanh nghiệp chùn tay.
Trong xu thế chung của công nghiệp 4.0 trên thế giới, ông Nguyễn Anh Nguyên, Phó tổng giám đốc AA Corporation, cho rằng các CEO (Giám đốc điều hành) nếu không có nền tảng hiểu biết về công nghệ thì nên ở vị trí COO (Giám đốc vận hành). Vì nếu không số hoá hoạt động sẽ đánh mất nhiều lợi thế trong việc sử dụng IT trong sản xuất, kinh doanh. Nếu CEO vận hành một công ty trong thời buổi công nghệ số “bùng nổ” mà không sử dụng các biện pháp công nghệ thông tin để quản lý, vận hành phù hợp trong khả năng chi trả thì mới chỉ hoàn thành một nửa công việc. Một khi CEO hiểu sâu sắc lợi ích của ứng dụng công nghệ thông tin mang lại, đó là sử dụng dữ liệu (dòng chảy thông tin hằng ngày) để vận hành tổ chức sẽ có lợi thế cực lớn. Trước đây máy móc thay thế nhiều hoạt động của con người trong sản xuất, đó là tự động hoá, thì bây giờ là công nghệ thông tin và số hoá để tăng hiệu suất lao động, hiệu quả kinh doanh. Thí dụ, ngay như việc sử dụng máy móc đơn giản trong việc vặt lông gà, vịt đã tăng hiệu suất công việc lên 11 lần, thì công nghệ thông tin sẽ giúp tăng hiệu suất lên hàng trăm lần. “Thực ra, chuyển đổi số là chuyển đổi suy nghĩ của ban lãnh đạo, “vẽ lại DNA” của các thủ lĩnh trong tổ chức. Ai không phù hợp thì thay đổi hoặc chuyển đổi. Nếu không ứng dụng công nghệ thông tin nghĩa là bạn đang không làm đúng nghĩa vụ phải làm, chưa nói đến sự sáng tạo, sáng kiến, cũng như lãng phí một công cụ giúp điều hành công việc hiệu quả, năng suất cao”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Chia sẻ về thách thức khi chuyển đổi số, ông Đặng Vĩnh Lập, Giám đốc công nghệ thông tin AA Corporation, cho biết công ty phải thiết kế lại toàn bộ hệ thống ứng dụng. Đối với AA cần thêm mảng quản lý công trình và tất cả các nhóm phải tích hợp với nhau, ngoài ra phải có kiểm soát (tần suất tuỳ đối tượng, hạng mục). Thêm nữa, AA sản xuất theo dự án, công trình (gồm nhiều mục: hàng hoá, hạng mục, thanh toán, kế hoạch, tiến độ…). Do đó, xu hướng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phải cố gắng đơn giản nhất cho người dùng, nghĩa là ứng dụng phải tiện dụng. Ứng dụng công nghệ thông tin cũng giúp công ty thành công trong việc đầu tư thiết kế, phát triển sản phẩm riêng (ODM) với thương hiệu nội thất cao cấp George Bensley, thay vì chỉ gia công sản xuất, xuất khẩu theo đơn đặt hàng từ các nhãn hàng quốc tế (OEM), cách mà phần lớn doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang theo đuổi.
Mộc Minh, nguồn: https://vneconomy.vn/chuyen-doi-so-la-ve-lai-dna-cua-cac-thu-linh-trong-to-chuc.htm, ngày 21/7/2022 (DB trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>