Tin tức

Chứng minh gỗ nguyên liệu hợp pháp: Điều kiện "sống - còn" để xuất khẩu

26/10/2020
Việc xây dựng cơ chế kiểm soát tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu là yếu tố vô cùng quan trọng để doanh nghiệp Việt có thể xuất khẩu bền vững.

 


Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), gỗ nhiệt đới nhập khẩu là một trong những nguồn cung nguyên liệu đầu vào quan trọng cho ngành gỗ. Hầu hết gỗ nhiệt đới nhập khẩu vào Việt Nam là gỗ tròn và gỗ xẻ. Lượng cung gỗ tròn và gỗ xẻ từ nguồn này cho Việt Nam hàng năm khoảng 1,5 triệu m3, tương đương 30% trong tổng lượng gỗ tròn và xẻ nhập khẩu vào Việt Nam từ tất cả các nguồn. Nguồn cung từ các quốc gia châu Phi, Lào, Campuchia và Papua New Guine là các nguồn quan trọng nhất.

Hiện nay, các dữ liệu thống kê về thực trạng Việt Nam nhập khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ từ các vùng nhiệt đới được dựa trên dữ liệu thống kê nhập khẩu của Tổng cục Hải quan. Việc đánh giá mức độ rủi ro đối với luồng nhập khẩu này dựa trên các tiêu chí được xác định trong nội dung của Hiệp định VPA FLEGT và trong Nghị định VNTLAS.
Kiểm soát tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu là yếu tố sống còn của ngành gỗ Việt. (Ảnh minh họa: KT)
TS. Tô Xuân Phúc, một trong những chuyên gia hàng đầu về ngành gỗ tại Việt Nam, cho biết, trong khâu kiểm soát gỗ nhập khẩu, các cơ quan chức năng của Việt Nam sử dụng 3 bộ lọc chủ yếu nhằm kiểm soát và quản lý gỗ nhập khẩu, bao gồm: Hệ thống phân loại rủi ro của Hải quan; Nhóm loài rủi ro; và Rủi ro gắn với vùng địa lý. Nhằm thực hiện các cam kết trong Hiệp định đối tác tự nguyện VPA FLEGT, Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định về Quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS). Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định là xây dựng các cơ chế nhằm kiểm soát chặt chẽ tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Các cơ chế này được dựa trên các tiêu chí phân loại rủi ro theo vùng địa lý (quốc gia) và loại gỗ. Tập trung vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia nhiệt đới, bao gồm các nước khu vực Châu Phi, Lào, Campuchia và Papua New Guine.
TS. Tô Xuân Phúc nêu rõ: Các kết quả từ việc áp dụng cho thấy hầu hết toàn bộ nguồn cung gỗ nhiệt đới này đều nằm trong khu vực địa lý rủi ro, do các quốc gia cung gỗ này đều không đáp ứng được các tiêu chí đối với vùng địa lý không rủi ro (như có khung quốc gia bắt buộc về trách nhiệm giải trình, chỉ số Hiệu quả Chính phủ từ 0 trở lên, hay có hệ thống chứng chỉ gỗ quốc gia bắt buộc). Bên cạnh đó, các loài gỗ rủi ro nhập khẩu từ các khu vực này có tỷ trọng tương đối cao, đặc biệt đối với các loài nhập khẩu từ Campuchia và Lào (cả gỗ tròn và xẻ) và từ PNG (đối với gỗ xẻ). "Xây dựng và kích hoạt danh sách vùng địa lý rủi ro và loài rủi ro có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu. Đây là những việc làm hết sức cần thiết nhằm duy trì và phát triển ngành, thực hiện các cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế. Trong dài hạn, Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp gỗ nên đa dạng nguồn cung gỗ nguyên liệu, giảm tỷ trọng nguồn cung nhập khẩu từ khu vực nhiệt đới, tăng tỷ trọng từ các nguồn cung rủi ro thấp. Bên cạnh đó, Chính phủ và các hiệp hội gỗ, phối hợp với các cơ quan truyền thông, cần đưa ra các cơ chế và thông điệp khuyến khích sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước. Điều này không những giúp ngành giảm rủi ro trong khâu sử dụng nguồn nguyên liệu mà nó có ý nghĩa trực tiếp đối với hàng triệu nông hộ trồng rừng hiện nay", TS. Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo quan điểm của ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, việc xây dựng và kích hoạt danh sách vùng địa lý rủi ro và loài rủi ro có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu. Đây là những việc làm hết sức cần thiết nhằm duy trì và phát triển ngành, thực hiện các cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế. Ngoài nguồn gỗ từ rừng trồng trong nước, Việt Nam hàng năm vẫn nhập khẩu gỗ nguyên liệu; trong đó, các quốc gia nhiệt đới như các nước khu vực châu Phi, Lào, Campuchia, Papua New Guine… Gỗ từ các quốc gia này thường được coi là gỗ rủi ro do các quốc gia cung cấp gỗ này đều không đáp ứng được các tiêu chí đối với vùng địa lý không rủi ro.
Là một doanh nghiệp nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Phi, đại diện Công ty gỗ Hưng Long cho biết, các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ rất quan tâm đến Nghị định 102/2020/NĐ-CP. Doanh nghiệp rất hoan nghênh việc thực thi các quy định nhằm đảm bảo gỗ hợp pháp để các doanh nghiệp có sự cạnh tranh công bằng. Đại diện doanh nghiệp này cho rằng, Tổng cục Lâm nghiệp cần sớm ban hành danh sách các quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam, các loài gỗ đã nhập khẩu… để các doanh nghiệp nhập khẩu có sự chủ động sớm vì thường doanh nghiệp phải ký hợp đồng nhập khẩu trước cả năm. 
TS. Tô Xuân Phúc nêu quan điểm: Cộng đồng doanh nghiệp gỗ nên đa dạng nguồn cung gỗ nguyên liệu, giảm tỷ trọng nguồn cung nhập khẩu từ khu vực nhiệt đới, tăng tỷ trọng từ các nguồn cung rủi ro thấp. Bên cạnh đó, Chính phủ và các hiệp hội gỗ cần đưa ra các cơ chế và thông điệp khuyến khích sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước. Điều này không những giúp ngành giảm rủi ro trong khâu sử dụng nguồn nguyên liệu mà có ý nghĩa trực tiếp đối với hàng triệu nông hộ trồng rừng hiện nay./.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>