Tin tức >> Chính sách có liên quan

ĐIỂM TIN VĂN BẢN PHÁP LUẬT MỚI BAN HÀNH

07/05/2018

 Tiêu chí xác định doanh nghiệp và Điều kiện cấp lại giấy chứng nhận (GCN) nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC)

Đây là nội dung nổi bật tại Quyết định 19/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC). Theo đó:

 Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC là doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

- Ứng dụng CNC thuộc Danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển quy định tại Điều 5 của Luật công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông nghiệp.
- Tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao, doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC đạt ít nhất 60% trong tổng số doanh thu thuần hàng năm.
- Có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng CNC, chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm nông nghiệp.
- Tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm đạt ít nhất 0,5%.
- Số lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của doanh nghiệp đạt ít nhất 2,5%.
- Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế.
Cũng theo Quyết định 19/2018/QĐ-TTg thì doanh nghiệp đã được cấp GCN doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (GCN) được xin cấp lại GCN này khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Trước khi GCN hết hiệu lực 45 ngày, doanh nghiệp lập hồ sơ theo Khoản 2 Điều 6 của Quyết định này đề nghị cấp lại GCN.
Trình tự, thủ tục thẩm định hồ sơ công nhận lại doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định như đối với trường hợp cấp mới.
- GCN bị mất hoặc bị hư hỏng trong thời gian còn hiệu lực nhưng không thuộc trường hợp trên.
Ngoài ra, Quyết định còn quy định thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận thuộc về UBND cấp tỉnh thay vì là Bộ NN&PTNT như hiện nay.
Quyết định 19/2018/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 05/6/2018, thay thế Quyết định 69/2010/QĐ-TTg và bãi bỏ Thông tư 50/2011/TT-BNNPTNT ngày 15/7/2011.
Sửa đổi một số hướng dẫn về chi phí hợp lý trong thuế TNDN
Thông tư 25/2018/TT-BTC (có hiệu lực từ 01/5/2018) sửa đổi, bổ sung một số quy định về các khoản chi được trừ, không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), cụ thể:
- Bổ sung thêm các khoản trích khấu hao tài sản cố định không được trừ đối với trường hợp DN nhận chuyển nhượng (một phần vốn hoặc toàn bộ DN).
- Khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động vượt mức quy định hoặc không ghi cụ thể điều kiện được hưởng trong hồ sơ sẽ không được trừ khi tính thuế TNDN.
- Tăng mức chi được trừ khi tính thuế TNDN đối với các khoản trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động,… lên tối đa 03 triệu đồng/tháng/người; nhưng phải đảm bảo yêu cầu sau:
+ Được ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; …
+ Doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo hiểm bắt buộc cho người lao động (kể cả trường hợp nợ tiền bảo hiểm bắt buộc).
05 nhóm đối tượng phải chịu sự giám sát hải quan
Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định 05 nhóm đối tượng chịu sự giám sát hải quan bao gồm:
- Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 08 (đã được sửa đổi, bổ sung) này;
- Vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh;
- Hàng hóa, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động hải quan; hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu đang lưu giữ tại các cơ sở sản xuất của tổ chức, cá nhân;
- Hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành được đưa về bảo quản chờ thông quan;
- Hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan.
Cũng theo Nghị định này, một số loại hàng hóa hiện nay khai trên tờ khai hải quan giấy thì từ ngày Nghị định 59 có hiệu lực, người khai hải quan có thể áp dụng phương thức khai điện tử nếu muốn, cụ thể trong các trường hợp sau đây:
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vượt định mức miễn thuế của người xuất cảnh, nhập cảnh;
- Hàng cứu trợ khẩn cấp, hàng viện trợ nhân đạo;
- Hàng quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển của cá nhân;
- Hàng hóa là phương tiện chứa hàng hóa quay vòng theo phương thức tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập theo quy định;
- Hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định trong trường hợp mang theo khách xuất cảnh, nhập cảnh;
- Và một số hàng hoá khác theo quy định của Bộ Tài chính.
Nghị định 59/2018/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 05/6/2018.
04 trường hợp hàng hóa được xem xét miễn trừ áp dụng Phòng vệ thương mại (PVTM)
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 06/2018/TT-BCT về việc quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).
Theo đó, một số sản phẩm hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp PVTM sẽ được xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM tạm thời, biện pháp PVTM chính thức, cụ thể:
- Thứ nhất, hàng hóa nhập khẩu có đặc điểm khác biệt với hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước; mà hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất bởi ngành sản xuất trong nước đó không thể thay thế được;
- Thứ hai, hàng hóa nhập khẩu là sản phẩm đặc biệt của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước;
- Thứ ba, hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không được bán trên thị trường trong nước trong cùng điều kiện thông thường;
- Thứ tư, khối lượng hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.
Thông tư 06/2018/TT-BCT sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2018.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Danh Võ) tổng hợp


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>