Tin tức

Cách các quốc gia châu Á giúp doanh nghiệp nhỏ vượt suy thoái

18/01/2021

Nhiều biện pháp được đưa ra để giảm thiểu tác động của đại dịch đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa như hoãn thuế, tăng cường hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lương...


Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) được coi là "xương sống" của nhiều nền kinh tế. Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á, SME chiếm khoảng 96% tổng số doanh nghiệp, đóng góp đáng kể vào lực lượng lao động, cung cấp 2/3 việc làm cho khu vực tư nhân.Tuy nhiên, trước tác động của đại dịch, các doanh nghiệp này bị tổn thương nặng nề. Những quy định hạn chế giao thông và biên giới, sự cách ly và giãn cách xã hội đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, giảm nhu cầu tiêu dùng và hạn chế dòng tiền. Điều này khiến các doanh nghiệp nhỏ không có khả năng trả tiền thuê cửa hàng, tiền lương công nhân, nhà cung cấp và chủ nợ, giảm thu nhập của các hộ gia đình.

Tại con phố nổi tiếng sầm uất của Singapore, các cửa hàng mở cửa trở lại, nhưng chỉ lác đác vài khách hàng tới mua Ảnh: ADB
Trong bối cảnh khó khăn, các chính phủ áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế. Một loạt công cụ chính sách để hỗ trợ SME được triển khai trong thời kỳ khó khăn như hoãn thuế, tăng cường cung cấp tín dụng, trợ cấp tiền lương.
Tại châu Á, nhiều nước thực hiện chính sách hoãn thuế cho SME. Ví như Trung Quốc đã gia hạn nộp hồ sơ khai thuế; giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) với dịch vụ y tế, dịch vụ ăn uống và lưu trú, một số dịch vụ cá nhân, phương tiện giao thông công cộng, khẩu trang và quần áo bảo hộ; giảm thuế giá trị gia tăng từ 3% xuống 1% với cho SME.Tại Hàn Quốc, Chính phủ gia hạn tối đa 9 tháng cho các SME khai thuế và giảm thuế VAT cho các SME có doanh thu năm dưới 48 triệu Won (hơn 1 tỷ đồng). Chính phủ Myanmar cũng hoãn nộp thuế thu nhập hàng quý. Indonesia miễn thuế thu nhập cho công nhân sản xuất kiếm dưới 200 triệu Rupia (đương đương 326,5 triệu đồng) mỗi năm; miễn thuế tiêu dùng 10% với khách sạn và nhà hàng tại 10 điểm du lịch trong 3 tháng. Quốc hội Nhật Bản thì cân nhắc giảm mức thuế tiêu dùng từ 8% xuống còn 5% đến cuối năm 2022.
Về các chính sách tín dụng, Ngân hàng Trung ương Malaysia hỗ trợ 2 tỷ Ringgit (hơn 11.300 tỷ đồng) cho các khoản vay của SME thông qua các ngân hàng thương mại, hỗ trợ bằng bảo lãnh tín dụng 80% giá trị khoản vay; giới hạn lãi suất cho vay đặc biệt ở mức 3,75%.Nhật Bản cũng dành 500 tỷ Yên cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) vay trong gói kích cầu đầu tiên, tăng lên 1.600 tỷ Yên trong gói thứ hai. Tại Việt Nam, khối ngân hàng cấp thêm 285.000 tỷ đồng hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5 đến 3% lãi suất thông thường.
Bên cạnh đó, các chính phủ khuyến khích các SME thích ứng với môi trường kinh doanh mới bằng cách chuyển đổi mô hình hoặc mở rộng các sản phẩm và dịch vụ khác. Ví như Malaysia thúc đẩy thương mại điện tử để thu hút người tiêu dùng mua các sản phẩm nội địa, cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ kiếm tiền và nắm bắt các nền tảng kỹ thuật số. Nước này cũng tăng cường kết nối Internet ở các khu vực nông thôn, khuyến khích các SME tiếp cận thị trường toàn cầu.Theo các chuyên gia, ngoài các chính sách kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chiến lược "phục hồi" ở cấp độ doanh nghiệp để tồn tại qua đại dịch cũng như môi trường kinh doanh mới sẽ xuất hiện hậu Covid-19.
Hoài Phong (Theo ADB), nguồn: https://vnexpress.net/cach-cac-quoc-gia-chau-a-giup-doanh-nghiep-nho-vuot-suy-thoai-4219958.html, ngày 12/01/2021 (HG trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>