Tin tức

Áp lực giá xăng dầu “vơi bớt”, doanh nghiệp vẫn loay hoay với khó khăn

25/07/2022

Sau đợt điều chỉnh giảm sâu giá xăng dầu trên thị trường, gánh nặng chi phí lên doanh nghiệp phần nào đã được giảm bớt. Song khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt vẫn rất lớn khi nguồn nguyên vật liệu bị thiếu hụt, tồn kho ở mức cao…


Sau nhiều lần tăng phi mã, từ 0h ngày 11/7/2022, giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu trên thị trường đã đồng loạt giảm mạnh, hơn 3.000 đồng/lít đối với xăng RON95-III, hơn 3.100 đồng/lít đối với xăng E5 RON92 và các mặt hàng dầu cũng hạ từ 800 – 3.020 đồng/lít.

Áp lực chi phí vẫn lớn
Đại diện Công ty TNHH bán lẻ BRG cho biết từ đầu năm đến nay, các nhà cung cấp hàng hóa vào hệ thống siêu thị của BRG đã tăng giá từ 5% – 15%. Trong kỳ điều chỉnh mới đây, mặc dù giá xăng dầu giảm sâu nhưng vẫn ở mức cao nên các nhà cung cấp vẫn chưa có sự điều chỉnh giá.  “Để sản xuất hàng hóa, doanh nghiệp phải vận hành cả một chuỗi cung ứng và sản xuất phức tạp; vì vậy, việc điều chỉnh giá cần thời gian và quy trình chứ không thể điều chỉnh tăng/giảm ngay được. Do đó, tác động của lần giảm giá xăng dầu này sẽ có độ trễ nhất định tới giá cả hàng hóa nói chung và giá hàng hóa thiết yếu nói riêng”, đại diện BRG cho biết. Cùng quan điểm, chuyên gia Vũ Vinh Phú cũng cho rằng mặc dù giá xăng giảm khá sâu nhưng giá tiêu dùng trên thị trường nhiều khả năng chưa thể giảm ở mức tương ứng. Nhiều mặt hàng vẫn sẽ neo ở mức cao và mặt bằng giá cả trên thị trường sẽ không có sự điều chỉnh mạnh.
Trước những đợt điều chỉnh liên tiếp của mặt hàng xăng dầu, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong nhiều năm qua, khi giá xăng dầu tăng thì giá cả các mặt hàng thiết yếu, giá cước vận tải sẽ tăng ngay lập tức. Thế nhưng khi giá xăng dầu giảm thì giá các mặt hàng này lại không được điều chỉnh giảm tương ứng vì các doanh nghiệp cần thời gian để điều chỉnh, cân đối lại chi phí sản xuất. “Bên cạnh đó, mạng lưới phân phối bán lẻ do hệ thống chợ truyền thống chiếm tỷ trọng chi phối chính. Do vậy, các tư thương và người buôn bán nhỏ vì lợi nhuận luôn chủ động và khẩn trương tăng giá bán hàng hoá, nhưng miễn cưỡng giảm giá bán những mặt hàng này”, ông Lâm nói thêm. Do đó, theo ông Lâm, với việc mặt bằng giá cả chưa có sự thay đổi mạnh thì áp lực chi phí lương nhân công cũng như chi phí hoạt động của doanh nghiệp vẫn sẽ lớn. “Dẫu vậy, trong bối cảnh diễn biến về nguồn cung xăng dầu, và xung đột Nga – Ukraine vẫn căng thẳng, giá dầu thế giới khó dự báo thì đợt điều chỉnh này cũng giúp “hạ nhiệt” đà tăng giá và làm vơi bớt gánh nặng chi phí đang đè lên doanh nghiệp”, ông Lâm nhận định.
Vẫn còn rất nhiều khó khăn
Mặc dù nỗi lo xăng dầu được vơi bớt nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hiện đang lo lắng về nguy cơ có thể thiếu nguyên liệu sản xuất vì nguồn cung bị gián đoạn, đặc biệt là trong các ngành điện tử, gỗ, dệt may, da giày… Cụ thể, chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết dù tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt kết quả khả quan với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 22,3 tỷ USD, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm trước, nhưng mục tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD mà VITAS đặt ra “vẫn chưa thể khẳng định”. 
Tương tự như ngành dệt may, các doanh nghiệp da giày của Việt Nam cũng đang đối mặt với rủi ro thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất dù đơn hàng xuất khẩu đến cuối năm đã kín. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết các doanh nghiệp sản xuất đang có nguy cơ phải giao hàng xuất khẩu chậm lại bởi các đối tác phía Trung Quốc đang thiếu container rỗng để chuyển nguyên phụ liệu về. Hơn nữa, nguồn cung nguyên liệu đầu phía cung ứng của Trung Quốc cũng giảm sút do nhiều nhà máy phải tạm dừng hoạt động để ứng phó với dịch COVID-19.
Hiện Trung Quốc là thị trường có vai trò quan trọng đối với cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam, trong đó Trung Quốc cung cấp phần lớn các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam trong các nhóm ngành linh kiện điện tử, phụ tùng máy móc, vải và hóa chất. Đặc biệt, nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may và da giày nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng khoảng 50% – 52%. Trong khi đó, hiện nay Trung Quốc đang thực hiện chiến lược Zero COVID, nguồn hàng xuất đi rất hạn chế, nhiều nhà máy tại Trung Quốc cũng tạm phải dừng sản xuất để chống dịch, tình trạng thiếu container tại các bến cảng... hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng khá lớn.
Theo tính toán của VITAS, chỉ tính riêng mặt hàng bông, trong bối cảnh giá cả xăng dầu tăng cao, nguồn cung bị gián đoạn, giá bông 6 tháng đầu năm đã tăng 19%. Điều này gây áp lực lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong những tháng tới. Không chỉ là thiếu hụt nguồn cung, bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết các doanh nghiệp ngành da giày, túi xách còn phải đối mặt với những vấn đề như tỷ lệ tồn kho cao (khoảng 40%) do lạm phát tăng cao ở các quốc gia xuất khẩu khiến người dân thắt chặt chi tiêu, chi phí logistics cao, thiếu hụt nguồn lao động cho sản xuất. Đáng quan ngại, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt là nhiều vô kể nhưng vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian qua vẫn chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa tạo được động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ
Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tranh thủ cơ hội thị trường để từng bước phục hồi và bứt phá trở lại sau đại dịch, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng việc cải thiện môi trường kinh doanh cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa. “Trong đó, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh cần được cải thiện mạnh mẽ hơn, kiểm tra chuyên ngành cần hợp lý hơn với doanh nghiệp khi mức độ cải thiện có dấu hiệu chững lại”, đại diện VCCI khuyến nghị.
Trong khi đó, đại diện Lefaso cho rằng cần tập trung tháo gỡ “nút thắt” về nguồn cung nguyên liệu – một vấn đề lớn đang khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, rất “đau đầu”. Bên cạnh đó, bà Phan Thị Thanh Xuân kiến nghị cần có nhiều hơn các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại thị trường trong nước, để từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu; trong đó đặc biệt phải có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương để triển khai công nghiệp sợi ở một số địa phương, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về tín dụng, đất đai, thuế…
Còn theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trước tình trạng tăng/giảm bất tương xứng giữa giá xăng dầu và mặt bằng giá thị trường, nếu Chính phủ và Quốc hội tiếp tục cân nhắc chính sách giảm thuế với xăng dầu để bình ổn giá thị trường, không gây thêm áp lực cho doanh nghiệp giữa lúc khó khăn “bủa vây” doanh nghiệp như hiện nay thì cần cân nhắc việc ra quyết sách nhanh chóng. “Xăng dầu tăng giá sẽ khiến các mặt hàng tăng giá ngay lập tức. Nhưng khi xăng dầu xuống giá, có thể các mặt hàng sẽ không xuống tương ứng. Do vậy, giảm giá xăng dầu càng nhanh thì càng có hiệu quả sớm trong việc kiểm soát lạm phát”, ông Dương bày tỏ.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>