Thông tin hội viên

“VRG thực hiện bài bản chiến lược phát triển bền vững”

27/07/2020

Đồng hành cùng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) hơn 4 năm qua trong các dự án, chương trình phát triển bền vững, TS. Phạm Quang Tú – Phó Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã chia sẻ với Tạp chí Cao su Việt Nam về những kết quả đã đạt được và các đề xuất trong thời gian tới.


  

TS. Phạm Quang Tú – Phó Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam. Ảnh: Vũ Phong
-Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc phối hợp thực hiện chương trình phát triển bền vững (PTBV) giữa Oxfam và VRG trong thời gian qua?
TS. Phạm Quang Tú: Từ năm 2016, Oxfam đã cùng với PanNature và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hợp tác với VRG, VRA thực hiện dự án “Tăng cường trách nhiệm về môi trường và xã hội trong đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài ở lĩnh vực nông nghiệp tại tiểu vùng Mê Kông”. Thông qua dự án này, chúng tôi muốn góp phần thúc đẩy mô hình kinh doanh bao trùm, có trách nhiệm với môi trường, cộng đồng và xã hội, hướng tới một nền kinh tế nhân văn – nơi lợi ích của các bên được hài hòa, PTBV và “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Sau 4 năm triển khai hợp tác, trên cơ sở những nghiên cứu, đánh giá thực địa, hội thảo, thảo luận; các bên đã cùng nhau xây dựng, áp dụng thí điểm và bước đầu hoàn thiện tài liệu “Hướng dẫn tự nguyện về giảm thiểu rủi ro môi trường và xã hội cho các nhà đầu tư Việt Nam ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp tại tiểu vùng Mê Kông”. Tài liệu hướng dẫn này đã được công bố chính thức vào tháng 01/2019.
Tiếp nối kết quả đạt được, đầu năm 2019, Oxfam đã cùng với PanNature và VRG ký kết “Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác thúc đẩy Chương trình PTBV và đầu tư có trách nhiệm của VRG” với mục tiêu thúc đẩy ứng dụng Hướng dẫn tự nguyện trên thực tế và hỗ trợ Tập đoàn hiện thực hóa Chiến lược PTBV giai đoạn 2019 – 2024. Qua đó, từng bước tiếp cận quản lý rừng bền vững, cả về khía cạnh môi trường, xã hội và cộng đồng. Trong năm 2019 chúng tôi đã phối hợp triển khai các hoạt động sau đây:
Oxfam đã mời nhóm chuyên gia quốc tế về phát triển kinh doanh bền vững cố vấn cho Tập đoàn về các công cụ và phương pháp tham vấn các bên liên quan trong quá trình thực hiện chiến lược PTBV của Tập đoàn. Hiện nay, chúng tôi đang cùng với các chuyên gia hỗ trợ Tập đoàn xây dựng Sổ tay Kết nối cộng đồng nhằm hướng dẫn cán bộ Tập đoàn và các công ty thành viên các bước cụ thể để làm việc với cộng đồng một cách hiệu quả và bền vững.
Oxfam và PanNature bước đầu hỗ trợ việc xây dựng hợp tác 4 bên giữa Công ty Cao su Krôngbuk Ratanakiri với tổ chức bảo tồn và cộng đồng địa phương thúc đẩy bảo vệ rừng cộng đồng tại tỉnh Ratanakiri, Campuchia. Chúng ta đều biết, do hệ thống pháp luật của các quốc gia và phong tục tập quán của người dân ở các địa phương là khác nhau; do đó, các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn gặp không ít khó khăn trong quá trình tiếp cận và triển khai các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại các nước bạn như Lào và Campuchia.
Những kết quả được triển khai tại Cao su Krôngbuk Ratanakiri cho thấy mô hình hợp tác này hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và cộng đồng. Mô hình này sẽ được đẩy mạnh để áp dụng mở rộng cho các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn và các doanh nghiệp khác của Việt Nam đang đầu tư tại các nước láng giềng.
Cuối năm 2019, cùng với VRG và VRA, chúng tôi đã tổ chức thành công khóa tập huấn về tiếp cận chuỗi giá trị cao su bền vững dành cho các công ty cao su thành viên trên địa bàn Tây Nguyên, Lào và Campuchia. Khóa tập huấn cũng có sự tham gia, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của đại diện Văn phòng chứng chỉ rừng Việt Nam và FSC tại Việt Nam.
Trong quá trình hợp tác, chúng tôi ghi nhận sự nhiệt tình của ban lãnh đạo và đội ngũ cán bộ của VRG và các công ty thành viên. Chúng tôi cũng nhìn thấy những chuyển biến tích cực của các doanh nghiệp về mức độ quan tâm đến các vấn đề môi trường và xã hội tại địa bàn đầu tư cũng như thông qua việc tham gia Diễn đàn Cao su thiên nhiên bền vững toàn cầu.
– Xin ông cho biết trong thời gian tới VRG cần làm gì để thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2019 – 2024?
TS. Phạm Quang Tú: Để những nỗ lực PTBV mang tính dài lâu và đạt hiệu quả thực sự, chúng tôi cho rằng phía trước còn nhiều việc cần được đẩy mạnh. Xin liệt kê một vài đề xuất chính sau đây:
Thứ nhất, Tập đoàn nên thường xuyên cập nhật xu hướng và các hướng dẫn của khu vực và quốc tế về Kinh doanh trách nhiệm và Xây dựng chuỗi giá trị cao su thiên nhiên bền vững. Chúng tôi cho rằng đây là những xu hướng cốt lõi và mang tính sống còn của Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong thời gian tới.
Thứ hai, PTBV và thực thi trách nhiệm về môi trường và xã hội cần được thể chế hóa một cách rõ ràng trong các chính sách nội bộ và kế hoạch hoạt động, kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên; nhằm đảm bảo có cơ chế và nguồn lực triển khai thực hiện. Chúng ta đều biết rằng, tất cả các chủ trương, chính  sách, dù có tốt đến mấy nhưng nếu không có kế hoạch cụ thể và không được bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện thì vẫn sẽ không hiệu quả; thậm chí còn gây ra nhiều hệ lụy.
Vì thế, chúng tôi khuyến nghị Tập đoàn ban hành chủ trương và yêu cầu các doanh nghiệp trực thuộc xây dựng chương trình hành động cụ thể cho từng năm về kết nối cộng đồng, phát triển kinh kế và đảm bảo quyền tiếp cận tài nguyên của cộng đồng; đào tạo và tuyển dụng lao động tại chỗ; góp phần bảo tồn, phục hồi và làm giàu rừng.
Thứ ba, Tập đoàn chủ động chia sẻ thông tin với bên ngoài. Đồng thời mạnh dạn đẩy mạnh các mô hình hợp tác đa bên trong phát triển cộng đồng và cải thiện an sinh cho người lao động, nhằm tận dụng các nguồn lực và chuyên môn trong xã hội phục vụ song song lợi ích của doanh nghiệp và của cộng đồng.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Trần Huỳnh, nguồn: http://tapchicaosu.vn/2020/07/23/vrg-thuc-hien-bai-ban-chien-luoc-phat-trien-ben-vung/, ngày 23/7/2020 (DB trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>