Thông tin hội viên

Công ty Cao su Krông Buk vững bước trong gian khó

15/12/2016

Ngày 8/2/1984, Công ty Cao su Krông Buk được thành lập theo Quyết định số 09/TCCB-QĐ của Tổng cục Cao su Việt Nam (đến năm 2010 chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk) với nhiệm vụ chính là sản xuất kinh doanh cao su, cà phê, chè và làm thương mại, dịch vụ.


Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, bên cạnh những thuận lợi, Công ty cũng phải đối mặt với không ít thách thức, đó là sự cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường, những diễn biến thời tiết bất thường, nắng hạn kéo dài đã làm ảnh hưởng đến năng suất vườn cây cao su và cà phê.

Cuối năm 1983, với mô hình “gà mẹ đẻ gà con”, Công ty Cao su Dầu Tiếng (nay là Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng) được giao nhiệm vụ phát triển cao su ở khu vực Tây Nguyên. 26 cán bộ được cử lên vùng đất đỏ bazan để làm nhiệm vụ, đây cũng là thế hệ cán bộ đầu tiên của Công ty.
Giai đoạn đầu đầy gian khổ, địa bàn khai hoang trồng mới cây cao su chỉ toàn là rừng rậm và những hố bom do chiến tranh để lại; cán bộ, công nhân luôn phải đối mặt với nỗi sợ về thú dữ, sốt rét…, nhưng với quyết tâm cao Công ty đã hoàn thành nhiệm vụ khai hoang, trồng mới được trên 711 ha cây cao su.
Từ năm 1986 1990, tập thể cán bộ Công ty không những hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản, mà còn khai hoang trồng mới được hơn 870 ha cao su. Và từ năm 1991 đến nay, Công ty tiếp tục nhiệm vụ chăm sóc vườn cây, đồng thời tiếp tục trồng mới thêm hơn 1.037 ha. Việc trồng mới kết thúc vào năm 1999, với hơn 2.619 ha cao su.
Giai đoạn này cũng đã đánh dấu một sự kiện quan trọng là đón “dòng vàng trắng” đầu tiên tại Nông trường Cao su Ea Hồ Phú Lộc, mở ra thời kỳ phát triển mới. Công ty tập trung đầu tư thâm canh, đưa năng suất từ 0,7 tấn mủ/ha năm 1991 lên 1,8 tấn/ha năm 2007, bình quân năng suất giai đoạn 2006 – 2016 đạt trên 1,68 tấn/ha.
Trong cơ chế thị trường, Công ty đã chủ động chuyển đổi theo hướng đa dạng hóa cây trồng, đưa thêm cây cà phê vào cơ cấu sản phẩm kinh doanh. Đối với cây cà phê, Lãnh đạo Công ty cũng hết sức quan tâm; theo đó, ở tất cả các khâu từ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phơi sấy, chế biến… đều được đầu tư kỹ lưỡng.
Nhờ sự hợp tác chuyển giao công nghệ của Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên về giống cây trồng và kỹ thuật canh tác giống cà phê chè Arabica, Công ty đã quy hoạch trồng khoảng 890 ha cà phê đã có từ năm 1999 thành vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu sạch cho nhà máy sản xuất cà phê nhân và bột của Công ty.
Song song với việc mở rộng vùng nguyên liệu, tăng cường nguồn nhân lực, Công ty đã đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại chế biến cà phê theo công nghệ ướt, cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Công ty cũng luôn quan tâm và chăm lo đời sống người lao động, đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số. Các chế độ lương, thưởng của người lao động luôn được chi trả kịp thời. Đồng thời, doanh nghiệp thực hiện tốt việc phát triển kinh tế với an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái.
Qua hơn 32 năm xây dựng và phát triển, Công ty có tổng diện tích cao su 3.059,19 ha, trong đó đã đưa vào khai thác 1.586,65 ha, hơn 5.293 ha cao su trồng ở Campuchia và nhiều diện tích liên kết, trồng xen khác… Ngoài ra, diện tích cà phê 730,4 ha. Hiện Công ty đã xây dựng một nhà máy chế biến cao su công suất khoảng 6.000 tấn/năm và một nhà máy chế biến cà phê công nghệ ướt đạt 2.500 tấn/năm.
Nông nghiệp Việt Nam, nguồn: http://vfpress.vn/thoi-su/hang-hoa/cong-ty-cao-su-krong-buk-vung-buoc-trong-gian-kho-354617.html, ngày 06/12/2016 (Công Nhựt trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>