Tin tức

Xã Đăk Trăm: Thành công của mô hình trồng cao su ở độ cao trên 700m

23/08/2017

 Sau 9 năm đưa vào trồng thử nghiệm cây cao su ở độ cao trên 700m so với mực nước biển, đến nay 37ha cao su ở Đăk Trăm (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) đều đã cho khai thác mủ. Bước đầu, mô hình này cho thấy hiệu quả kinh tế, mở ra hướng mới trong việc đưa các loại cây hàng hóa có giá trị vào trồng giúp nông dân cải thiện thu nhập, từng bước giảm nghèo.


Dẫn chúng tôi đến thăm vườn cao su gần 1 ha được đưa vào khai thác 2 năm nay, hiện đang là nguồn thu chính của gia đình, anh A Vũ (làng Tê Pên) kể: Ngày trước, khi tham gia trồng thử nghiệm cây cao su, mặc dù được Nhà nước hỗ trợ giống, kỹ thuật, một phần chi phí đầu tư, nhưng thực sự mình vẫn thấy khá lo. Lo vì cao su là loại cây trồng quá mới mẻ với địa phương, rồi lại trồng ở độ cao trên 700m, chỉ sợ sau 7 – 8 năm trồng cây không cho mủ vừa tốn công, tốn của lại mất mấy năm trời không có thu nhập gì thì đúng là thua thiệt đủ đường. Song nghĩ đi nghĩ lại, mình tính nếu không mạnh dạn thì không thể mong có sự thay đổi được nên mình làm, vừa làm vừa học hỏi, vừa tích luỹ kinh nghiệm. Thời kỳ kiến thiết cơ bản, cây cao su phát triển khá tốt, nhưng do nhà mình thiếu vốn đầu tư, cộng với giá mủ cao su xuống thấp nên mình chăm sóc không đầy đủ lắm, vì vậy đến năm 2016 mới đưa vào khai thác. Năm ngoái, mặc dù giá mủ không cao nhưng tính ra thu nhập của vườn cây vẫn đạt, mình cạo d3 (tức nghỉ 2 ngày, cạo 1 ngày), vậy mà bình quân mỗi tháng cũng thu được 3 – 3,5 triệu đồng.
Sự mạnh dạn của A Vũ đã giúp gia đình anh cải thiện được thu nhập. Năm nay, A Vũ cạo theo phương thức d2 (tức 1 ngày nghỉ, 1 ngày cạo) nên sản lượng mủ thu nhiều hơn, nhờ thế thu nhập cũng tăng lên, mỗi tháng từ 4,5 – 5 triệu đồng. Một số người đã theo anh để hỏi về kỹ thuật, kinh nghiệm.
Qua làng Đăk Rô Gia, chúng tôi được A Don dẫn đến xem vườn cao su hơn 1 ha mới đưa vào khai thác vụ này. Nâng từng chén mủ trắng tinh lên, A Don khoe: Mỗi cây được tới 2/3 – 3/4 chén mủ một lần cạo, có cây còn cho mủ đến sát miệng chén thế này thì có kém gì cao su trồng dưới thấp đâu. Đấy là thời gian trước, do giá mủ thấp nên mình cũng lơ là chăm sóc, chứ nếu mình chăm chút cẩn thận hơn có lẽ lượng mủ sẽ còn cao hơn. Hiện tại, vườn cây nhà mình mới chỉ có khoảng 80% lượng cây được đưa vào khai thác, vậy mà mỗi lần cạo cũng thu được 25 – 27 kg mủ đông, với giá bán khoảng 12.000 đồng/kg, mình thu về từ 300.000 – 320.000 đồng.
A Don cũng là một trong những hộ nằm trong diện được chọn để trồng thí điểm cao su ở độ cao trên 700m của xã Đăk Trăm. Theo tính toán của anh, với phương thức khai thác d3, 1 tháng cạo khoảng 10 lần, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư cho vườn cây, anh vẫn còn lời được 2,5 – 3 triệu đồng.
A Don phấn khởi khoe về hiệu quả bước đầu mà cây cao su mang lại. Ảnh: H.N
“Mình có lợi thế là đất của nhà không phải đi thuê, công mình tự làm được nên chỉ tốn tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mua dụng cụ khai thác thôi. Chính vì vậy, dù giá cao hay thấp, mình cũng không lo, cao thì lời nhiều, thấp thì lời ít nhưng chắc chắn nguồn thu sẽ ổn định”, A Don chia sẻ.
Riêng nhà A Vũ, năm nay anh còn tận dụng khoảng đất trống giữa các hàng cao su để trồng thử nghiệm cây sâm đương quy. Toàn bộ giống được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ, gia đình anh bỏ công. Nếu thành công, vườn cao su sẽ cho lợi nhuận kép.
Mô hình trồng cao su ở độ cao trên 700m so với mực nước biển được Phòng NN&PTNT huyện Đăk Tô triển khai thử nghiệm ở 2 xã Văn Lem và Đăk Trăm từ năm 2008 với tổng diện tích là 59 ha, trong đó Đăk Trăm có 37 ha và Văn Lem có 22 ha. Theo tính toán của nhiều người, cao su là loại cây công nghiệp về lâu dài lợi ích vẫn ổn định và cho thu nhập bền vững hơn nhiều loại cây trồng khác, nên nếu có thể mở rộng được diện tích thì cây trồng này thực sự sẽ mở ra hướng thoát nghèo cho nông dân ở Đăk Trăm.
Thành công bước đầu của mô hình cây cao su trên độ cao 700m giúp những hộ nông dân Đăk Trăm đi tiên phong tự tin gắn bó và đầu tư cho vườn cây để cải thiện thu nhập. Nếu phát triển được nhiều diện tích cao su ở độ cao này sẽ góp phần khai thác hiệu quả hơn quỹ đất sản xuất trên địa bàn, hạn chế diện tích cây mì. Tuy nhiên, đây là loại cây trồng mới, cách làm mới nên nông dân Đăk Trăm vẫn còn khá dè dặt khi mở rộng diện tích.

 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>