Tin tức

VRG tích cực hỗ trợ các đơn vị thực hiện tốt điều chỉnh suất đầu tư

28/11/2016

Trong công tác thực hiện điều chỉnh suất đầu tư, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và các ban chuyên môn vừa phân tích và đưa ra các giải pháp hỗ trợ các đơn vị thực hiện tốt trong năm 2016.


 

Tăng cường công tác khoán và hợp đồng lao động thời vụ để chăm sóc vườn cây KTCB. Ảnh: Tùng Châu
Theo Tổng Giám đốc VRG Trần Ngọc Thuận, lãnh đạo VRG sẽ tiếp tục kiến nghị với Chính phủ duy trì chính sách hỗ trợ đối với lao động dân tộc thiểu số trong giai đoạn 2017 trở đi đến hết thời gian kiến thiết cơ bản (KTCB). Các ban chuyên môn tiếp tục rà soát, tăng cường các giải pháp điều chỉnh suất đầu tư theo hướng hợp lý hóa các khâu, các hạng mục chăm sóc theo quy trình kỹ thuật.
VRG sẽ xem xét, có hướng dẫn về việc sử dụng nguồn thu (trực tiếp, gián tiếp) từ trồng xen để các công ty có cơ sở thực hiện đầu tư cho vườn cây cao su, đặc biệt là trên đất tái canh bạc màu. Bên cạnh đó, VRG cũng có hướng dẫn thống nhất chung trong toàn ngành về hạch toán các khoản chi phí thực hiện vượt dự toán để các công ty thực hiện, tránh trường hợp mỗi đơn vị hạch toán mỗi cách khác nhau như hiện nay.
Các đơn vị tiếp tục rà soát, tăng cường các giải pháp tiết giảm suất đầu tư, chủ động điều hành dự toán nông nghiệp hàng năm theo hướng hợp lý hóa các khâu, các hạng mục chăm sóc suất đầu tư nhằm bù đắp dần các khoản vượt dự toán năm 2014, 2015, đảm bảo không vượt suất đầu tư tối đa được duyệt.
Thực hiện cân đối lại nhu cầu lao động gián tiếp, giảm lao động trực tiếp chăm sóc vườn cây KTCB để tiết giảm quỹ tiền lương và các chế độ theo lương. Từ đó tăng cường công tác khoán và hợp đồng lao động thời vụ để chăm sóc vườn cây KTCB.
Ông Phạm Văn Thành – Thành viên HĐTV, Trưởng Ban Kế hoạch Đầu tư VRG –cho biết hỗ trợ của Chính phủ đối với lao động là người dân tộc thiểu số đã giúp cho các công ty giảm bớt khó khăn về vốn đầu tư giai đoạn đầu KTCB. Tuy nhiên, chính sách này chỉ được thực hiện trong 5 năm (2013 – 2017), từ năm 2018 trở đi khi khoản hỗ trợ này không còn, công ty phải tự chi trả toàn bộ cho người lao động theo đúng quy định. Lúc đó, suất đầu tư không thể gánh nổi và sẽ rất khó khăn đối với các công ty có nhiều lao động trong biên chế được hưởng chính sách hỗ trợ như Công ty Sơn La, Lai Châu II.
Theo ông Huỳnh Trung Trực – Phó TGĐ VRG, Trưởng đoàn khảo sát về thực hiện suất đầu tư, thực tế cho thấy chi phí chung cơ cấu trong dự toán hầu hết không đủ chi phí, nhất là đối với các đơn vị có bộ máy gián tiếp lớn, lực lượng lao động KTCB nhiều và khối lượng đầu tư nông nghiệp ít, đặc biệt rất thiếu tại các đơn vị chỉ thuần chăm sóc KTCB không còn trồng mới tái canh. Vì vậy, cần được xem xét, cân đối để tăng chi phí quản lý chung cùng các giải pháp tinh giảm biên chế gián tiếp và trực tiếp KTCB. Từ đây, đưa ra chủ trương có tiếp tục thực hiện điều chỉnh suất đầu tư thời gian tới, hoặc điều chỉnh lại các chi phí dự toán cho phù hợp với thực tế.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>