Tin tức

Vì sao hàng loạt cổ phiếu cao su liên tục tăng mạnh?

10/03/2017

 Trái ngược với diễn biến đi xuống về phía cuối năm 2016, giá cao su đã liên tục tăng mạnh lên gấp 2 lần mức giá vào đầu năm 2017. Lực tăng của giá cao su đã khiến cổ phiếu (CP) ngành cao su có đợt tăng giá mạnh trong những phiên vừa qua.


 Tuy nhiên, bên cạnh nhiều cơ hội trong năm 2017, ngành cao su cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.

Ngành cao su Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong năm 2017. Ảnh: Internet.
Liên tục tăng mạnh
Sự phục hồi mạnh mẽ của giá cao su là nguyên nhân chính khiến nhiều nhà đầu tư “đổ” tiền vào cổ phiếu của ngành này, vì vậy, trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu ngành cao su liên tục tăng mạnh.
Cụ thể, TRC – cổ phiếu của Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh tại ngày 03/3/2017 giao dịch ở giá 32.000 VNĐ/CP, tăng 0,1% so với phiên giao dịch trước đó.
Trong năm 2016, Cao su Tây Ninh ghi nhận 350,3 tỷ đồng doanh thu (-3,5%) và 82,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+25,5% so với năm trước). Trong đó, lợi nhuận tăng trưởng được đóng góp từ hoạt động cao su đạt 31,6 tỷ đồng (+20,4%), và sự giảm mạnh 37,3% trong chi phí quản lý doanh nghiệp do không còn khoản đột biến trợ cấp nghỉ hưu như năm 2015.
TRC đặt kế hoạch sản lượng khai thác năm 2017 sẽ đạt khoảng 8.800 tấn (-2,8%), do diện tích thanh lý dự kiến giảm 2,2%, trong khi kế hoạch năng suất không đổi ở mức 1,91 tấn/ha.
Trong quý I/2017, TRC ước đạt lợi nhuận trước thuế cho hoạt động cao su khoảng 18 tỷ đồng. Toàn bộ lợi nhuận thanh lý cao su dự kiến ghi nhận trong nửa đầu năm. TRC đặt kế hoạch lợi nhuận 2017 cho công ty mẹ đạt 107,4 tỷ đồng (+38,7%).
Tương tự, DPR – mã cổ phiếu của Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú cũng vừa có phiên giao dịch ấn tượng trong ngày 03/3 với mức giá giao dịch 45.500 VNĐ/CP, tăng 1,6% so với phiên giao dịch trước đó.
Thoát đáy vào cuối năm 2016, Cao su Đồng Phú ghi nhận 852 tỷ đồng doanh thu (-1%) và 196,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+1%). Lợi nhuận gộp từ hoạt động sản xuất cao su tăng tốt gấp 2,5 lần và đạt 46,4 tỷ đồng, nhờ các biện pháp cắt giảm chi phí giá thành.
Trong tháng 01/2017, Công ty đã đạt sản lượng tiêu thụ 900 tấn (-30%). Nhờ giá bán cao, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất cao su dự kiến tăng mạnh trong quý I/2017.
Cùng với đà tăng của hai mã cổ phiếu trên, PHR – cổ phiếu của Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa cũng có phiên giao dịch thành công ngày 03/3 với giá giao dịch 30.600 VNĐ/CP, tăng 1% so với phiên giao dịch trước đó.
Năm 2016, Cao su Phước Hòa ghi nhận 1.179 tỷ đồng doanh thu (-4%) và 253 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (-4,1%). Trong đó, lợi nhuận phần lớn đến từ 100 tỷ lợi nhuận đột biến từ việc đền bù đất khu công nghiệp và khoảng 100 tỷ lợi nhuận thanh lý cao su.
Trong năm, sản lượng khai thác đạt 16.406 ngàn tấn (-10,6%), do diện tích thanh lý hơn 1.000 ha đã làm giảm diện tích khai thác, đồng thời năng suất được giữ ổn định ở mức 2 tấn/ha.
Năm 2017, Công ty kỳ vọng đạt khoảng 4.500 tấn sản lượng trong quý I/2017. Theo đó, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất cao su trong quý I ước đạt 45 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với mức xấp xỉ 5 tỷ của 2016. Công ty đặt kế hoạch sản lượng khai thác năm 2017 sẽ đạt khoảng 14 ngàn tấn (-15%).
“Năng lượng” mới đến từ nhiều tin tốt
Giá cao su RSS 3 – Thái Lan đã biến động mạnh trong 2 tháng đầu năm 2017, tăng nhanh lên mức 2,76 USD/kg vào cuối tháng 01/2017 trước các thông tin lũ lụt của Thái Lan, và sau đó biến động mạnh với biên độ 0,17 – 0,26 USD trong nửa đầu tháng 02/2017.
Tại thị trường Việt Nam, đầu năm 2016, giá cao su trong nước đang ở mức thấp, đến tháng 9/2016 giá cao su có xu hướng tăng nhẹ và đầu năm 2017 thì bắt đầu “sốt” giá.
Tính đến giữa tháng 02/2017, giá cao su đã tăng gấp đôi so với năm ngoái, thị trường cao su cũng nhộn nhịp trở lại.
Như vậy sau 4 năm giá cao su liên tục giảm, thị trường cao su đã khởi sắc trở lại và đang trên đà tăng mạnh.
Tỷ giá vẫn đáng quan ngại
Với những tín hiệu tích cực kể trên, cổ phiếu ngành cao su được dự báo sẽ có những phiên “trỗi dậy” mạnh mẽ trong năm 2017.
Tuy nhiên, cổ phiếu này cũng tiềm ẩn một số rủi ro như thời điểm hiện tại đang trong mùa thấp điểm sản lượng, giá cao su cần được theo dõi thêm khi bắt đầu vào mùa cạo mủ (từ quý III) để nhận định triển vọng tăng trưởng trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
Hơn nữa, ngành cao su cũng có thể sẽ gặp một vài rủi ro về thời tiết, thiên tai có thể ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch. Từ năm 2014 tới năm 2016, ảnh hưởng của El Nino là mạnh nhất trong 18 năm làm thay đổi mô hình thời tiết. Nhiều quốc gia như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam phải trải qua thời tiết khô nóng bất thường, hạn hán xảy ra tại các khu vực sản xuất nông nghiệp trọng điểm trong đó có các vườn cây cao su đã làm giảm đáng kể năng suất mủ cao su. Hiện tượng La Nina mới đây tiếp tục gây ảnh hưởng đến việc khai thác mủ cao su tại Thái Lan.
Cùng với đó, một mối nguy khác cho vườn cây cao su đó là nạn dịch bệnh và nạn cháy rừng. Việc quản lý và kiểm soát tốt sẽ giúp bảo vệ vườn cây phát triển ổn định tạo năng suất khai thác cao, giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh cho công ty.
Đặc biệt, ngành cao su rất có thể gặp rủi ro từ tỷ giá. Do công ty có xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài và nhiều hoạt động kinh doanh được thực hiện bằng đơn vị tiền tệ khác với đồng Việt Nam nên sẽ chịu rủi ro về tỷ giá ngoại tệ mỗi khi có biến động mạnh.
Chính vì vậy, ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp cao su, cũng như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đều khá thận trọng trong kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh của mình. Và như vậy, cổ phiếu ngành cao su có thực sự trở thành “điểm sáng” trong năm 2017 hay không vẫn còn là bài toán chưa có đáp án.
Hoàng Giang, nguồn: http://enternews.vn/vi-sao-hang-loat-co-phieu-cao-su-lien-tuc-tang-manh.html, ngày 06/3/2017 (CN trích dẫn) 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>