Tin tức

Trung Quốc mở cửa, ngành nào của Việt Nam gặp... bất lợi?

26/12/2022

Các ngành sẽ hưởng lợi từ lộ trình Trung Quốc nới lỏng phòng dịch COVID-19 bao gồm Hàng không, Thủy sản, Xi măng, Cao su, Thép, Dệt may, Bán lẻ, Gạo. Ngược lại, ngành phân bón sẽ chịu tác động tiêu cực... 


Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong nước từ đầu tháng 12/2022 và dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý II năm 2023. Theo đánh giá của VnDirect, các ngành sẽ hưởng lợi từ lộ trình mở cửa kinh tế Trung Quốc bao gồm: Hàng không, Thủy sản, Xi măng, Cao su, Thép, Dệt may, Bán lẻ, Gạo. Ngược lại, ngành phân bón sẽ chịu tác động tiêu cực.

Đối với cao su, Trung quốc cũng là thị trường tiêu thụ cao su tự nhiên lớn nhất của Việt Nam, luôn chiếm khoảng 70% 80% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su. Việt Nam cũng là một trong những đối tác cung cấp cao su lớn nhất với Trung Quốc với thị phần 10 tháng đầu năm 2022 là 16,7%, chỉ xếp sau Thái Lan là 33,6%. Việc Trung Quốc mở cửa cho hoạt động xuất khẩu không chỉ gỡ được nút thắt về sản lượng đầu ra của cao su mà còn tạo đà tăng cho giá cao su tới từ nhu cầu cao su khá cao cho sản xuất lốp xe của quốc gia này. Các doanh nghiệp dẫn đầu ngành có sản lượng xuất khẩu cao su lớn sang Trung Quốc như Cao su Phước Hòa, Cao su Đồng Phú sẽ được hưởng lợi.
Giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc hiện chiếm khoảng 12% tổng giá trị xuất khẩu gạo, đứng thứ hai xếp sau Philipines. Vì vậy, với việc Trung Quốc mở cửa cũng đồng nghĩa là nhu cầu về gạo sẽ tăng lên. Từ đó sẽ có những tác động tích cực đến sản lượng xuất khẩu gạo qua Trung Quốc. Hiện tại, các doanh nghiệp niêm yết có tỷ trọng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc trong cơ cấu doanh thu bao gồm Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời và Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An. Tuy nhiên, tỷ trọng cơ cấu của doanh thu của mảng này rất thấp (chỉ khoảng 5% 10%). Hơn nữa, biên lợi nhuận gộp của mảng này cũng rất thấp, chỉ khoảng 5% 7%. Do đó, tác động tích cực từ việc Trung Quốc mở cửa đến các doanh nghiệp này là hạn chế.
Ngược lại, nhóm phân bón sẽ chịu tác động tiêu cực. Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu phân bón lớn thứ 2 thế giới (chiếm khoảng 13% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu). Do đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ cung cấp một lượng cung lớn ra thị trường. Từ đó sẽ làm giá phân bón tiếp tục xu hướng giảm giá. Hơn nữa, xu hướng giảm này sẽ gia tăng do Nga (nước xuất khẩu lớn nhất với tỷ trọng khoảng 15% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu) sẽ mở kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm 2023. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ chịu tác động tiêu cực từ việc giá bán giảm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu.
Thu Minh, nguồn: https://vneconomy.vn/trung-quoc-mo-cua-nganh-nao-cua-viet-nam-gap-bat-loi.htm, ngày 21/12/2022 (TV trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>