Tin tức

Trồng xen dưa hấu dưới tán cao su – làm chơi ăn thật

06/03/2017

Những năm qua, người dân huyện Bù Đốp, Bình Phước chủ yếu trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như điều, tiêu, cao su... Khi diện tích đất sản xuất ít, nhiều hộ đã mượn vườn cao su non của Nông trường 5 (Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh) để trồng hoa màu. Qua đó không chỉ giúp nông trường giảm chi phí đầu tư do cây cao su được bổ sung dinh dưỡng từ những lần chăm sóc hoa màu, mà còn tăng thu nhập cho hộ dân.


 Gia đình anh Nguyễn Văn Cường ở ấp 6, xã Thanh Hòa, mượn của nông trường 5 ha đất để trồng xen dưa hấu. Vụ này gia đình anh đã có một mùa bội thu, trung bình 1 ha dưa đạt năng suất trên 10 tấn, với giá bán từ 46.000 đồng/kg tại vườn. Anh Cường cho biết: “Dưa hấu sinh trưởng ngắn ngày, thời tiết thuận lợi nên chỉ khoảng 3 tháng sau khi trồng là cho thu hoạch. Trung bình 1 ha dưa chi phí khoảng 810 triệu đồng, gồm giống và phân bón, công làm đất và chăm sóc. Sau khi trừ chi phí, mỗi hecta đem lại cho gia đình trên 50 triệu đồng”.

Nông dân tất bật thu dưa hấu
Tương tự, gia đình ông Lê Văn Tân, ấp 3, xã Thanh Hòa cũng có 3 ha dưa trồng cùng khu vực cho biết: Để đạt được hiệu quả kinh tế, trước khi trồng phải khảo sát đất phù hợp, giàu mùn và dinh dưỡng. Ngoài ra, khu vực này gần đập M26 ở xã Phước Thiện nên chủ động được nguồn nước tưới.
Hiện nay, ở Bù Đốp hộ trồng dưa hấu nhiều nhất từ 10 ha trở lên, hộ ít cũng có 2 ha. Diện tích trồng dưa xen cao su tập trung ở các xã Thanh Hòa, Thiện Hưng, Phước Thiện... Với 35 ha trồng dưa xen cao su ở Nông trường 5, năng suất đạt 13 tấn/ha, vụ dưa này nông dân Bù Đốp đã thu về 3 tỷ đồng, bình quân 1 ha từ 70100 triệu đồng. Ngoài ra, dưa đang vào chính vụ, để thu hoạch đúng tiến độ, mỗi ngày 1 ha dưa cần ít nhất 20 công lao động, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi của địa bàn. Anh Điểu Đam ở Tiểu khu 67, xã Phước Thiện cho biết: Làm công nhân cạo mủ ở Nông trường 5, do cao su đang vào mùa thay lá nên công nhân được nghỉ, tranh thủ lúc nhàn rỗi tôi nhận chở dưa thuê theo giờ (30 ngàn đồng/giờ). Một ngày tôi kiếm được trên 200 ngàn đồng.
Nhờ mượn đất vườn cao su non để trồng xen dưa hấu, nhiều hộ nông dân ở Bù Đốp thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trong điều kiện đất sản xuất nông nghiệp ít thì việc tận dụng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ hợp lý nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất được xem là phương án tối ưu để địa phương phát triển kinh tế, tăng nguồn thu cho người dân.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>