Tin tức

Trách nhiệm xã hội là điểm cộng của doanh nghiệp

13/05/2021

Trong ngành nội thất, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh lớn hơn hẳn so với các nước cùng khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều vướng mắc, cản trở khiến vị thế của ngành chưa thực sự bền vững.


 Chất lượng nhà máy

Khó khăn lớn nhất doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang vướng phải là quy mô của nhà máy tương đối nhỏ, nhưng quan trọng hơn là chất lượng nhà máy không cao. Khác với chất lượng sản phẩm – yếu tố hàng nội thất Việt Nam đang đảm bảo rất tốt, chất lượng nhà máy thể hiện ở những tiểu tiết như: công nhân được training và ý thức bảo vệ sức khỏe an toàn lao động cao hay không; công tác phòng cháy chữa cháy có được tuân thủ nghiêm ngặt hay không... Câu trả lời từ thực tế, rất tiếc lại là không.
Trong khi chủ DN không bao giờ muốn xảy ra tai nạn lao động hay sự cố nào thì nhân công, những người trực tiếp ở hiện trường lại vô cùng lơ là, tắc trách. Họ thường vi phạm các nguyên tắc an toàn trong vô thức mà không biết rằng hậu quả không chỉ đến khi có sự cố đáng tiếc xảy ra mà ảnh hường ngay trong quá trình kinh doanh. Bởi, trước khi đơn hàng thực sự đến, đội ngũ sourcing như chúng tôi sẽ phải thực hiện các đánh giá nhà máy, trong đó, những tiêu chuẩn an toàn lao động, an toàn cháy nổ... tưởng như không liên quan đến sản phẩm nhưng lại khiến DN dễ dàng mất hợp đồng.
Nguyên nhân là do, khi những sự cố đáng tiếc xảy ra, tổn hao từ phía DN đã có bảo hiểm chi trả. Phần thiệt hại lớn nhất sẽ nằm ở khách hàng. Không có hàng để bán, không đáp ứng đúng các đơn hàng đã nhận... sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến uy tín của khách hàng. Ít ai chú ý đến điều này, khi Sourcing tiến hành khảo sát nhà máy, DN cứ nghĩ là khách hàng đòi hỏi, nguyên tắc... nhưng thực sự, công tác khảo sát rất cần thiết. Do vậy, DN cần quán triệt với nhân viên của mình trong việc giữ gìn các nguyên tắc an toàn lao động, an toàn sản xuất.
Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, khách hàng toàn cầu đang rất quan tâm đến trách nhiệm xã hội của DN. Nếu chúng ta chủ động thực hiện các hoạt động chăm sóc nhân lực, thể hiện tính bền vững với môi trường... thì đó sẽ là điểm cộng của DN trong mắt khách hàng.
Thay đổi nhận thức
Dù đang sản xuất cung ứng cho thị trường toàn cầu nhưng nếu so sánh với DN các quốc gia khác trong khu vực, tư duy của DN Việt Nam vẫn còn bảo thủ, chưa đủ độ cởi mở. DN Việt Nam kinh doanh với tư duy ăn chắc, mặc bền, căn cơ nên đôi khi họ có thể hơi chặt tay trong các khoản chi. Ví dụ, chi phí gửi mẫu, DN Việt Nam thường đòi hỏi khách hảng phải chịu khoản phí này trong khi ở các quốc gia khác, sẽ ngược lại. Nếu đem lên bàn cân, so vớiviệc DN mang hàng đến tham dự các hội chợ triển lãm nội thất quốc tế, phí gửl mẫu cho khách hàng có lẽ vẫn ít hơn rất nhiều, mà khả năng chốt hợp đồng lại cao hơn. Nếu DN xem việc gửi mẫu như một phần trong chi phí marketing, có lẽ câu chuyên sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Không chỉ khiến công tác giao thương gặp trở ngại, với buyer, việc căn ke trong phí gửi mẫu còn cho thấy đối tác của họ thực sự chưa tự tin về sản phấm của mình. Vì khi sản phẩm đủ tốt để chinh phục khách hàng, DN sẽ không phải lo ngại chuyện bị trả về. Sự thiếu tự tin như vậy rất dễ khiến buyer không muốn chốt deal.
Một trở ngại khác của DN Việt Nam là thiếu kiên nhẫn. Kinh nghiệm mua hàng cho các tập đoàn lớn cho thấy buyer có nhu cầu kết nối với DN thân thiết, chặt chẽ. Cho nên trong công tác chuẩn bị, cùng nhau phát triển sản phẩm, họ thường làm rất kỹ lường. Có khi họ có thể dùng DN phát triển sản phẩm trong vòng 3 năm sau mới thực sự có đơn hàng.
Cần phải nhớ, với ngành công nghiệp nội thất, cung cấp hàng cho thế giới, trong khu vực, không chỉ Việt Nam mà Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia... cũng có hoạt động sản xuất tương tự. Nghĩa là, mức độ cạnh tranh rất lớn. Quá trình phát triển sản phẩm cùng với buyer sẽ giúp DN từng bước rút kinh nghiệm trong sản xuất, tạo mẫu lẫn quản lý chi phí giá thành... để có được mức độ cạnh tranh tốt hơn.
Thực tế là DN Thái Lan có nhà máy quy củ, hoạt động tốt, khả năng sáng tạo cao. Indonesia cũng tương tự, chỉ khác là công nhân ở quốc gia đa đảo này vướng yếu tố tôn giáo nên hơi cực đoan trong thời gian làm việc. Nêu đặt lên bàn cân, DN Việt Nam có lợi thế cạnh tranh lớn vì đặc thù rất phù hợp với ngành nhờ lực lượng công nhân dồi dào, khéo léo. Đồng thời, mức độ tự động hóa cũng rất cao. Nếu so với Trung Quốc, quốc gia giữ vị thế số 1 trên thị trường nội thất, Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định, nhất là trong mảng hàng thủ công mỹ nghệ.
Nói như vậy để thấy rằng, mỗi quốc gia có điểm mạnh yếu khác nhau, DN phải hiểu đặc thù để có thể tự trang bị cho mình những lợi thế nhất định. Và, hiểu được luật kinh doanh quốc tế, mạnh dạn đầu tư, chú trọng cải tiến sản phấm để có thể phát huy hơn nữa lợi thế của riêng mình. Nhà máy ở Việt Nam, thực tế không quá nhiều so với dư địa và nhu cầu của thế giới, chỉ cần DN thay đổi nhận thức và cách thức làm việc, tôi tin, khách hàng toàn cầu sẽ tiếp tục tìm đến
Kim Nguyễn, nguồn:Ấn phẩm Gỗ & Nội thất số 79 của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), (HG trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>