Tin tức >> Tin cao su trong nước

VRG: Tập trung xây dựng thương hiệu cao su tại Campuchia

23/10/2017

Dự án đầu tư phát triển cao su tại Campuchia đến nay về cơ bản vườn cây phát triển tốt, đúng quy trình kỹ thuật. Trong thời gian tới, các đơn vị ổn định sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tiếp tục quản lý chặt chẽ suất đầu tư, đây là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong cả quá trình” – Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Trần Ngọc Thuận – Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tại Hội nghị đánh giá kết quả đầu tư tại Campuchia diễn ra vừa qua.


Đã khai thác 13.096 ha

Tính đến năm 2017, VRG đã đầu tư phát triển cao su tại Vương quốc Campuchia được 11 năm. Đến nay, các công ty cao su thành viên đã hoàn thành công tác trồng mới và thời gian tới sẽ tập trung đầu tư chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản và chuẩn bị cho công tác mở miệng cạo, xây dựng nhà máy chế biến. Đồng thời, tập trung nguồn lực để bổ sung hoàn thiện pháp lý đầu tư, củng cố hệ thống tài chính – kế toán – thuế theo quy định của nước sở tại.
Tiếp tục nghiên cứu kiện toàn công tác tổ chức cán bộ phù hợp với thực tiễn hoạt động của các đơn vị thành viên, xây dựng các cơ chế chính sách về xây dựng thương hiệu cao su tại Campuchia, công tác xuất nhập khẩu, chế biến và môi trường phù hợp với thực tiễn và đảm bảo các quy định.
Tổng diện tích cao su đã trồng tại Campuchia là 87.892 ha, trong đó kiến thiết cơ bản là 74.796 ha, kinh doanh là 13.096 ha. Năm 2016, đã có 3 đơn vị khai thác được 1.370 tấn, thu mua 689 tấn, tiêu thụ 1.660 tấn, tổng doanh thu cao su trên 59 tỷ đồng. Năm 2017, Tập đoàn có 8 công ty tiếp tục mở rộng diện tích khai thác, nâng tổng diện tích khai thác tại Campuchia lên 13.096 ha với tổng sản lượng dự kiến là 9.631 tấn, thu mua 600 tấn, tiêu thụ khoảng 10.159 tấn, doanh thu cao su kế hoạch trên 357 tỷ đồng.
Ngoài việc đầu tư phát triển cây cao su trên đất nước bạn, Tập đoàn đã triển khai đồng bộ đầu tư cả kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ cho lực lượng lao động tại dự án và cộng đồng dân cư quanh vùng dự án, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia của Campuchia trong việc xóa đói giảm nghèo. Đến nay, Tập đoàn đã đầu tư trong các vùng dự án cao su hơn 3.000 căn nhà ở công nhân các loại, đầu tư hơn 1,3 triệu USD cho hệ thống điện phục vụ sản xuất và dân sinh trong vùng dự án, đầu tư 295 giếng khoan và hệ thống nước sinh hoạt, xây dựng 20 công trình trạm xá và 14 trường học. Đồng thời đầu tư các công trình thể thao phục vụ đời sống tinh thần cho công nhân, người lao động.
Đầu tư xây dựng nhà máy theo cụm
Về công tác chế biến, VRG đã đầu tư 2 nhà máy chế biến với tổng công suất là 8.000 tấn/năm phục vụ nhu cầu chế biến của các đơn vị thành viên và bước đầu thu mua và chế biến từ nguồn mủ của các hộ dân địa phương. Hiện đang xây dựng thêm các nhà máy chế biến trong năm nay, sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành năm 2018, sẽ đưa tổng công suất chế biến của Tập đoàn tại Campuchia lên 49.000 tấn/năm.
Tập đoàn thống nhất xây dựng các nhà máy cụm trên cơ sở tiết kiệm chi phí quản lý và đầu tư, cự ly vận chuyển thuận lợi, chi phí chế biến thấp, quản lý thống nhất chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu cao su Tập đoàn. Đầu tư theo nhiều giai đoạn để có thể cải tiến đổi mới công nghệ thiết bị tiên tiến. Với 15 công ty tại Campuchia sẽ phân chia thành 7 cụm để xây dựng nhà máy chế biến.
Ông Trần Ngọc Thuận – Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc VRG nhấn mạnh: “Tập đoàn biểu dương những nỗ lực, cố gắng của tất cả các đơn vị trong thời gian qua, nhất là các đơn vị gặp nhiều khó khăn về thiên tai, pháp lý đầu tư. Có thể nói giai đoạn vừa qua là giai đoạn các đơn vị rất quyết liệt để có kết quả như hiện tại. Năm 2016, 2017 có một số đơn vị đã đưa vườn cây vào khai thác, có sản phẩm và xây dựng nhà máy chế biến, chính vì vậy không khí lao động sản xuất và tình cảm của CBCNVC – LĐ các đơn vị tại Campuchia rất phấn khởi.
Thời gian tới, các đơn vị ổn định sản xuất kinh doanh, tập trung hoàn tất các thủ tục pháp lý đầu tư, kê khai thuế vào tháng 10 năm nay. Đặc biệt, trong năm 2017 các đơn vị phải củng cố toàn diện hệ thống tài chính kế toán. Ban Tài chính kế toán, Tổ chức cán bộ Tập đoàn và các công ty mẹ chịu trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ cho các đơn vị tại Campuchia về vấn đề này”.
Về vấn đề luân chuyển cán bộ có thời gian công tác 3 – 5 năm, ông Thuận đề nghị: “Việc thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ về công tác tại Việt Nam sau thời gian công tác tại Campuchia vẫn chưa thực hiện đạt yêu cầu. Cần phải tiếp tục thực hiện chủ trương này, các công ty mẹ tại Việt Nam phải xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, tùy vào từng trường hợp để giải quyết, phải thường xuyên quan tâm đến tâm tư và nguyện vọng của các anh chị em công tác xa nhà”.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>