Tin tức >> Tin cao su trong nước

Triển vọng tích cực đang quay lại với cổ phiếu Cao su miền Nam?

16/02/2017

 Giá cao suđang hồi phục đã tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp săm lốp nói chung và Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam (mã CSM) nói riêng trong bối cảnh áp lực cạnh tranh cao. Với dư địa tăng trưởng cho tiêu thụ săm lốp trong nước, liệu CSM có thể phục hồi?


 

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam (mã CSM)
Các chuyên gia kỳ vọng, thương hiệu tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực săm lốp ở Việt Nam này sẽ tận dụng được những cơ hội mới để tăng trưởng ổn định và bứt phá trong thời gian tới.
Lợi nhuận giảm mạnh
Cập nhật kết quả kinh doanh năm 2016 CSM vừa công bố cho thấy, doanh thu thuần chưa kiểm toán cả năm 2016 của CMS đạt 3.287 tỷ đồng, giảm 9,6% so với năm trước nhưng khá sát với doanh thu kế hoạch sau điều chỉnh là 3.250 tỷ đồng.
Trong đó, săm lốp ô tô và săm lốp xe máy là hai sản phẩm chính mang lại phần lớn doanh thu cho Công ty với tỷ trọng lần lượt 60% và 40%.
Sản phẩm của Công ty không những tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang 18 quốc gia và vùng lãnh thổ với doanh thu xuất khẩu đóng góp 29% trong tổng doanh thu và thị trường xuất khẩu chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á.
Theo nhìn nhận của Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), CSM một trong những doanh nghiệp đầu ngành nhưng cũng như các công ty săm lốp khác đang gặp áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ lốp xe Trung Quốc giá rẻ.
Chính vì vậy, bên cạnh tăng trưởng doanh thu không được khả quan, chi phí nguyên liệu gia tăng với giá vốn hàng bán/doanh thu tăng lên 79,3% từ mức 77,8% của năm 2015 do giá cao su hồi phục đã khiến kết quả kinh doanh của CSM sụt giảm trong năm 2016.
Theo đó, lợi nhuận gộp năm 2016 ghi nhận 680,5 tỷ đồng, giảm 15,6% so với năm trước. Tuy vậy, CSM đã nỗ lực tiết giảm chi phí gồm chi phí bán hàng ghi nhận 150,2 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,9% so với năm trước; chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận 125,7 tỷ đồng, giảm mạnh 35,8% nhờ hoàn nhập quỹ phát triển khoa học công nghệ trong quý 4; chi phí lãi vay 60,0 tỷ đồng, giảm 10,7%.
Tính cả năm 2016, lợi nhuận trước thuế đạt 331,67 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm mà Đại hội cổ đông giao phó (330 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế năm 2016 ghi nhận 261,1 tỷ đồng (-9,9% so với năm trước).
Đà phục hồi sẽ quay trở lại?
Từ thực tế kết quả kinh doanh năm 2016, các chuyên gia không thật sự đánh giá cao triển vọng kinh doanh của CSM trong 2017 do áp lực cạnh tranh từ những đối thủ ngoại mà đặc biệt là từ Trung Quốc vẫn rất lớn.
Cụ thể, lốp xe Trung Quốc giá rẻ khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm chiến lược của CSM là lốp xe Radial toàn thép có chất lượng cao hơn gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, theo ước đoán của PHS, doanh thu năm 2017 của CSM có thể đạt 3.465 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,4% so với năm trước với động lực tăng trưởng nhờ vào dự án Radial bán thép.
Theo đó, dự án Radial bán thép có công suất 500.000 lốp/năm dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ từ cuối quý I/2017. CSM đã tìm được đầu ra cho dự án và đã được đối tác từ Mỹ (Tireco) cam kết bao tiêu 1,5 triệu sản phẩm đạt đủ tiêu chuẩn chất lượng.
Theo phân tích từ PHS: “Nguyên liệu đầu vào là cao su đã có dấu hiệu tạo đáy, phục hồi kể từ 2016 và dự đoán sẽ tăng trong 2017 khiến biên lợi nhuận không còn duy trì ở mức cao như những năm trước.
Thêm nữa, giá dầu thô, một trong những nguyên liệu sản xuất cao su tổng hợp, được dự báo tăng tích cực trong năm nay sau thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC càng gây áp lực lên chi phí giá vốn.
Trong năm 2017, tỷ giá cũng gặp áp lực sẽ ảnh hưởng tiêu cực làm tăng chi phí tài chính. Ngoài ra, Công ty cũng không còn ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng từ quỹ phát triển khoa học công nghệ nên chi phí quản lý doanh nghiệp sẽ không ghi nhận mức thấp như 2016”.
Từ phân tích trên, PHS tính toán, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ có thể đạt 222,8 tỷ đồng năm 2017, tương đương với lợi nhuận tính trên cổ phiếu (EPS) ước 2017 đạt 2.150 đồng/cổ phiếu.
Về triển vọng dài hạn, PHS vẫn tin tưởng vào khả năng phục hồi của CSM và kỳ vọng thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực săm lốp ở Việt Nam này sẽ tận dụng được cơ hội từ nhu cầu tiêu thụ săm lốp gia tăng song song với sự tăng trưởng của ngành ô tô.
“Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 do Thủ tướng phê duyệt tháng 7/2014, Việt Nam sẽ phấn đấu đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe tải, xe khách thông dụng và một số loại xe chuyên dụng, phấn đấu trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng và một số cụm chi tiết có giá trị cao trong chuỗi sản xuất ôtô.
Quy hoạch cũng đề ra mục tiêu nâng dần tỷ trọng xe sản xuất lắp ráp trong nước cho tới 2020, 2030. Do đó tạo ra dư địa tăng trưởng cho tiêu thụ săm lốp trong nước. Không những vậy, số lượng ô tô tiêu thụ gia tăng sẽ khiến nhu cầu thay thế lốp cũng tăng theo và đây là một cơ hội cho CSM” – báo cáo của PHS nhấn mạnh.
Hoàng Giang, nguồn: http://enternews.vn/trien-vong-tich-cuc-dang-quay-lai-voi-co-phieu-cao-su-mien-nam.html, ngày 13/02/2017 (CN trích dẫn) 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>