Tin tức >> Tin cao su trong nước

Thúc đẩy rừng trồng cao su theo hướng bền vững

26/07/2017
Ngày 24/7/2017, tại TP.HCM, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) phối hợp với Tổ chức  quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF)Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy rừng trồng cao su bền vững và chứng chỉ FSC cho các công ty cao su tại Việt Nam”.

 

Các diễn giả tham gia chia sẻ thông tin tại Hội thảo. Ảnh: Bình Nguyên
Hội thảo là cơ hội để VRA và các Hội viên tiếp cận các tổ chức có thiện chí hỗ trợ ngành cao su Việt Nam phát triển bền vững, hướng đến được cấp giấy chứng nhận cho nguyên liệu và sản phẩm cao su theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời gặp gỡ khách hàng có nhu cầu mua nguyên liệu gỗ cao su và sản phẩm gỗ cao su có chứng nhận về nguồn gốc hợp pháp và quản lý bền vững.
Phát biểu khai mạc, ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch VRA – cho biết ngành cao su thiên nhiên Việt Nam đã phát triển nhanh trong những năm gần đây và có diện tích lớn nhất trong các cây công nghiệp dài ngày tại Việt Nam, đạt 976.400 ha vào năm 2016.
Với diện tích các vườn cây cao su thanh lý đang gia tăng trong thời gian gần đây, gỗ cao su ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành gỗ và sản phẩm gỗ, góp phần giảm áp lực nhập khẩu và gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho ngành gỗ Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu gỗ cao su và sản phẩm gỗ cao su năm 2016 đạt khoảng 1,54 tỷ USD, tăng hơn 26% so mức 1,2 tỷ USD năm 2015. Qua đó, gỗ cao su đã đóng góp hơn 22% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam. Đối với ngành cao su, gỗ cao su đóng góp khoảng 31,7% vào tổng giá trị xuất khẩu 4,8 tỷ USD của toàn ngành năm 2016.
Ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch VRA phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Vũ Phong
“Mặc dù Việt Nam đã tiếp cận quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng theo thông lệ quốc tế từ khá sớm, tuy nhiên việc triển khai cấp chứng chỉ rừng bền vững còn chậm. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến nay mới chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng diện tích rừng VN đang có. Trong khi mục tiêu đặt ra tới năm 2020 phải có 30% diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ. Riêng với ngành cao su, có một phần diện tích là rừng trồng, việc áp dụng chứng chỉ rừng đã được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều khó khăn đối với việc đảm bảo đáp ứng các tiêu chí của chứng chỉ trong thời gian dài”, ông An cho biết.
TS. Lê Thiện Đức – Quản lý Chương trình rừng thuộc WWF Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Vũ Phong
TS. Lê Thiện Đức – Quản lý Chương trình rừng thuộc WWF Việt Nam – cho biết, rừng trồng cao su tại Việt Nam bắt đầu được WWF quan tâm. WWF mong muốn thúc đẩy các hoạt động trồng cao su bền vững bằng hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao nhận thức của các công ty trong việc hướng đến quản lý rừng cao su theo hướng bền vững, không có những tác động bất lợi đến môi trường, đồng thời có nhiều lợi ích về mặt xã hội.
WWF cũng mong muốn liên kết thị trường để gỗ cao su đến từ các khu rừng được công nhận là quản lý bền vững có thể có mặt ở các thị trường đòi hỏi khắt khe về mặt hợp pháp nguồn gốc sản phẩm và đáp ứng tiêu chuẩn bền vững.
“Theo khuyến nghị của WWF, để phát triển rừng trồng cao su bền vững, phải tuân thủ các quy định của Việt Nam và công ước quốc tế; có quyền sử dụng đất và sở hữu đất rõ ràng, không tranh chấp; có sự tôn trọng và hỗ trợ người bản địa; đảm bảo quyền của người lao động và tham vấn cộng đồng. Đồng thời, quản lý giảm thiểu tác động môi trường, cải thiện đa dạng sinh học; có phương án quản lý bền vững và thực hiện theo phương án quản lý; giám sát và đánh giá tác động của các hoạt động quản lý rừng; không mở rộng phát triển cao su từ đất rừng mới chuyển đổi…”, ông Đức chia sẻ.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>