Tin tức >> Tin cao su trong nước

Thu gom mủ tự động – sáng chế hữu ích

11/03/2019

 Chỉ bằng những nguyên vật liệu đơn giản như tấm bạt, dây thép, ghim bấm, đinh… nhà nông Nguyễn Yên đã sáng tạo ra hệ thống thu gom mủ cao su tự động rất hiệu quả. 


 Sáng chế này được nhiều người dân cao su tiểu điền đón nhận vì tính ứng dụng cao mà nó mang lại.

Anh Nguyễn Yên giới thiệu hệ thống thu gom mủ với phóng viên
Thu hoạch mủ trên sườn dốc tiện lợi
Việc thu hoạch mủ cao su trên các vườn cây trồng ở sườn dốc gây rất nhiều khó khăn, trở ngại cho người lao động. Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, anh Nguyễn Yên đã chế tạo thành công hệ thống thu gom mủ tự động.
Hệ thống này đã mở ra cơ hội giúp nhiều nhà vườn tiết kiệm thời gian, bảo vệ sức khỏe, không phải trăn trở với nỗi lo thuê nhân công mỗi vụ thu hoạch mủ cao su, giúp thu hoạch mủ cao su trên đồi dốc một cách dễ dàng.
Theo tìm hiểu và giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Yên, ngụ ở thôn Bình Hiếu, xã Bình Tân, Phú Riềng, tỉnh Bình Phước, được anh dẫn đi tham quan hệ thống thu gom mủ cao su tự động do anh sáng chế. Anh Nguyễn Yên, sinh năm 1975, quê ở Thừa Thiên Huế vào Nam lập nghiệp đã mấy chục năm. Anh Yên cho biết, hơn 5 năm tìm hiểu, sáng tạo với rất nhiều chi phí mua vật liệu về tự mày mò làm thử nghiệm trên vườn cây cao su của gia đình, hiện anh Yên đã hài lòng với sản phẩm thu gom mủ tự động của mình.
Nguyên liệu là tấm bạt cắt ra và làm thành những đường máng nhỏ, đặt theo hàng cao su. Tùy theo độ dốc của địa hình mà anh Yên thiết kế sao cho dòng mủ chảy nhanh, chảy hết lại không bị bụi đất, nước mưa dính vào máng. Theo đó, sau khi cạo, đường dây dẫn mủ từ cây chạy thẳng xuống máng và được dẫn về điểm tập kết cuối cùng. Ở đó có một cái hố để đặt thùng hứng mủ chảy xuống, rất tiện lợi cho việc thu hoạch mủ.
“Có những ngày, mình tôi cặm cụi trên vườn cây để mày mò thử nghiệm, say mê tới mức khi ngước lên nhìn trời, màn đêm đã bao phủ rừng cao su. Rồi có những ngày lom khom hì hục dưới trời mưa, chỉ để thử nghiệm hệ thống xem có đảm bảo trong những ngày mưa gió có thất thoát mủ. Tính tính toán toán, lượng mưa, thời tiết như thế nào… để hoàn thành và cho ra đời hệ thống này”, anh Yên tâm sự.
Mang tính ứng dụng cao
Trước đây, việc thu hoạch mủ cao su trên sườn dốc là nỗi lo của gia đình anh Nguyễn Văn Hiếu, ở thôn Hiếu Phong, xã Bình Tân. Nhưng từ khi được anh Yên giúp lắp đặt hệ thống thu gom mủ cao su tự động, anh Hiếu cảm thấy rất nhàn vì không phải xách thùng leo lên, xuống dốc để trút mủ, không còn phải lo vệ sinh chén đựng mủ mỗi ngày, đặc biệt là không bị thất thoát mủ như trước. Thời gian thu gom mủ giảm 2/3 mà không lo xảy ra sự cố bị té ngã khi đi gom mủ. Hệ thống thu gom mủ tự động cho thấy không chỉ giúp tiểu điền tiết kiệm thời gian, công sức, mà còn tiết giảm chi phí đầu tư mua chén hứng mủ, đặc biệt có thể giải quyết được tình trạng khan hiếm lao động làm thuê theo thời vụ như hiện nay.
Bên cạnh đó, anh Yên cũng nghiên cứu để hệ thống đường máng không bị ảnh hưởng khi bánh xe máy cán qua và nông dân không phải mất công vệ sinh máng hằng ngày. Điều đặc biệt, theo tính toán của anh Yên thì chi phí đầu tư chỉ khoảng 13 triệu đồng/ha, bao gồm cả nguyên vật liệu lẫn công lắp ráp, nhưng lại có thời gian sử dụng từ 4 – 5 năm trở lên.
Sản phẩm được làm bằng niềm đam mê nghiên cứu, dù anh Yên mới học tới lớp 4. Sáng chế hữu ích này của nhà nông Nguyễn Yên đã giúp nhiều hộ cao su tiểu điền trong việc thu gom mủ cao su.
Thành công với sản phẩm sáng tạo độc đáo hữu ích, anh Yên cho biết, sẵn sàng hỗ trợ, giúp các đơn vị, hộ trồng cao su trong và ngoài tỉnh thực hiện khai thác mủ cao su trên đồi dốc, đảm bảo hiệu quả và an toàn. “Tôi còn ấp ủ rất nhiều kế hoạch và ý tưởng mới mẻ, để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và phát triển hệ thống này hơn nữa trong tương lai”, anh Yên cho biết.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>